Ngoài vẻ đẹp từ những ngôi chùa cổ kính, ngoài sự đặc sắc từ nền văn hóa giao thoa nhiều dân tộc, Sóc Trăng còn nổi tiếng là xứ sở của những món ăn thơm ngon, độc đáo. Bài viết sau đây của Kinhnghiem24h.edu.vn sẽ giúp bạn làm một chuyến đi tìm hiểu Top 12 món đặc sản ngon nhất ở Sóc Trăng mua về làm quà.
Bạn đang đọc: TOP 12 món đặc sản ngon nhất ở Sóc Trăng mua về làm quà
1. Bánh pía
Trong văn hóa ẩm thực của người Sóc Trăng thì bánh pía được xem là món ăn hấp dẫn và nổi tiếng bậc nhất. Đây cũng là món đặc sản lý tưởng để khách du lịch có thể mua về làm quà sau các chuyến du lịch Sóc Trăng.
Vốn có nguồn gốc là món bánh trung thu ở vùng Triều Châu – Trung Quốc, bánh pía theo chân người Hoa du nhập vào Việt Nam từ những năm thế kỷ 17. Theo thời gian, món bánh này đã được người dân Sóc Trăng biến tấu thay đổi về hương vị, trở thành “thương hiệu” từ nhiều năm qua.
Bánh pía Sóc Trăng thơm ngon, hấp dẫn
Bánh pía Sóc Trăng có dạng hình tròn với vỏ được làm từ bột mì trộn đường cát trắng cán mỏng. Phần nhân bánh là sự kết hợp hài hòa từ đậu xanh, khoai môn hấp chín cùng trứng muối và sầu riêng. Ở một số nơi, người ta còn cho thêm vào nhân bánh một ít hạt sen, xá xíu, củ cải…
Bánh pía là món ăn chơi, có vị ngọt vừa phải, không quá béo thường được kết hợp dùng kèm với trà nóng.
2. Khô trâu Thạnh Trị
Du lịch Sóc Trăng, đặc biệt là về vùng Thạnh Trị, bạn đừng quên dành chút thời gian tìm mua thưởng thức món khô trâu đặc trưng của xứ này.
Ngày xưa, ở vùng Sóc Trăng người dân thường dùng thịt trâu để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, lạ miệng. Trong đó, làm khô được xem là cách chế biến đơn giản nhưng cho hiệu quả bảo quản được thịt khá lâu.
Khô trâu Thạnh Trị
Theo những người làm khô trâu lành nghề chia sẻ, để có món khô trâu Thạnh Trị ngon, thịt làm khô phải là loại đùi, săn chắc, không dai, nhiều nạc, ít mỡ cho hương vị thơm ngọt tự nhiên. Thịt trâu sau khi mang về sơ chế sạch ướp gia vị khử mùi tanh rồi đem phơi nắng khoảng 3 giờ đồng hồ là thành phẩm.
Khô trâu là món ăn dân dã đem lại giá trị dinh dưỡng cao, là món mồi nhâm nhi yêu thích của các cánh mày râu. Về Sóc Trăng mua một ít khô trâu Thạnh Trị về làm quà là hoàn toàn phù hợp.
3. Lạp xưởng Vũng Thơm
Nếu như ở Long An nổi tiếng có lạp xưởng Cần Đước, Tiền Giang trứ danh với lạp xưởng Cai Lậy thì ở Sóc Trăng người ta cũng hay nhắc về món lạp xưởng của vùng Vũng Thơm. Được biết, làm lạp xưởng là nghề truyền thống của bà con xã Phú Tây, huyện Mỹ Tú được hình thành từ nhiều năm về trước.
Lạp xưởng Vũng Thơm
Nguyên liệu để làm món lạp xưởng Vũng Thơm bao gồm: thịt nạc heo, mỡ heo, rượu trắng và ruột heo. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng để có món lạp xưởng ngon, đòi hỏi người làm phải biết chọn nguyên liệu cũng như tỉ mỉ trong khâu tẩm ướp, dồn thịt.
Để thưởng thức món lạp xưởng Vũng Thơm, người ta có nhiều cách chế biến khác nhau nhưng ngon nhất là đem đi chiên. Lạp xưởng là món ăn quen thuộc của người Việt được dùng trong bữa cơm hằng ngày, khi ăn cho mùi vị độc đáo, ngọt thanh tự nhiên, không ngán.
4. Bánh phồng tôm
Bánh phồng tôm cũng là một trong những món đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng rất phù hợp để bạn mua về làm quà biếu tặng cho gia đình, người thân hay bạn bè của mình.
Nức tiếng nhờ hương vị thơm ngon đặc trưng, bánh phồng tôm của người Sóc Trăng có dạng hình vuông được chế biến từ nguyên liệu tôm tươi sống. Ngoài ra, để có chiếc bánh phồng tôm ngon thì cũng không thể thiếu vị hạt tiêu và lòng trắng trứng vịt.
Bánh phồng tôm Sóc Trăng
Điểm khác biệt của bánh phồng tôm Sóc Trăng so với nơi khác là được phơi khô hoàn toàn tự nhiên bằng nắng. Công đoạn này cũng là yếu tố quan trọng quyết định hương vị, màu sắc của bánh thành phẩm.
Bánh phồng tôm Sóc Trăng sau khi chiên cho vị giòn xốp beo béo cay cay lại thơm lừng khi ăn vào đậm đà tan dần nơi đầu lưỡi. Món này ngon nhất là thưởng thức kèm với các món gỏi chua ngọt.
5. Bánh in Sóc Trăng
Bánh in của người Sóc Trăng là loại bánh có dạng hình tròn, màu trắng được làm từ gạo nếp, đường cát và nước cốt dừa. Món bánh này thường được bà con Khmer sử dụng trong ngày lễ Cúng Thần Mặt Trăng.
Để có một chiếc bánh in thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Từ khâu lựa chọn nếp, rang nếp, xay bột đến trộn gia vị, đổ khuôn tất cả đều đòi hỏi người làm phải thật tỉ mỉ và khéo tay.
Bánh in Sóc Trăng
Bánh in Sóc Trăng truyền thống có nhân đậu xanh, ngày nay người ta đã biết sáng tạo ra thêm loại nhân đậu phộng, nhân dừa… Chiếc bánh in ngon là chiếc bánh tròn trịa trắng ngần thoảng mùi thơm dịu nhẹ.
Thưởng thức hương vị của chiếc bánh in Sóc Trăng cùng tách trà nóng là sự kết hợp hoàn hảo. Chiếc bánh ngọt dịu beo béo nước cốt dừa hòa cùng vị chan chát của trà mang đến cho người thưởng cảm giác dễ chịu khó tả. Du lịch Sóc Trăng, bạn đừng quên mua một ít bánh in về làm quà nhé!
6. Mè láo
Mè láo là món ăn vặt có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Hoa, qua bàn tay chế biến sáng tạo của người dân Sóc Trăng, món ăn này dần dần trở thành một trong những thứ đặc sản nức tiếng mà bạn có thể lựa chọn mua về làm quà biếu tặng.
Mè láo là món bánh được chế biến từ khoai môn, bột nếp, vừng và đường mạc nha. Để làm mè láo, phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ khác nhau, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ khéo tay từ khâu chọn nguyên liệu đến thực hiện.
Mè láo
Khoai môn mang về cắt nhỏ phơi nắng rồi đem giã nhuyễn. Công đoạn tiếp theo là lăn khoai qua bột nếp, nặn tròn, chiên nhanh qua dầu nóng rồi nhúng vào đường mạch nha, rắc mè là thành phẩm.
Mè láo khi ăn vào mang đến cho người thưởng thức cái vị là lạ miệng, vỏ bánh cưng cứng giòn tan ngọt đường, ruột bánh ngọt thơm xốp tơi tận kẻ răng. Món này ngon nhất là ăn chơi cùng với trà nóng.
7. Bánh gừng
Bánh gừng là loại bánh truyền thống của người Khmer được bà con đồng bào sử dụng trong những ngày lễ tết quan trọng. Ở Sóc Trăng, người ta thường nhắc về bánh gừng như một món ăn không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của xứ này.
Nguyên liệu để làm món bánh này khá độc đáo gồm có: bột nếp, trứng gà, bột nang mực và nước chanh tươi. Sở dĩ, người ta gọi món này là bánh gừng vì sau khi thành phẩm những chiếc bánh có hình dạng củ gừng trong lạ mắt và rất dễ thương.
Tìm hiểu thêm: Chỉ đường đi Rạch Giá từ Hà Tiên, Cần Thơ và Sài Gòn
Bánh gừng
Bánh gừng của người Sóc Trăng khi ăn vào sẽ cảm nhận được độ giòn giòn của bột nếp, ngọt ngọt của lớp đường cát mỏng bên ngoài. Đây là món ăn chơi, ngon nhất là thưởng thức kèm với tách trà nóng.
Mang đến hương vị đặc trưng, hấp dẫn, bánh gừng hoàn toàn có thể được liệt vào danh sách những món đặc sản ở Sóc Trăng mà bạn có thể mua về làm quà biếu tặng cho người thân, bạn bè.
8. Bánh ống lá dứa
Xuất xứ là món bánh dân dã của đồng bào người Khmer, bánh ống lá dứa là món quà vặt quen thuộc được trẻ con vùng Sóc Trăng rất yêu thích. Nếu có dịp du lịch về Sóc Trăng, bạn đừng quên thưởng thức món này cũng như mua một ít về làm quà biếu tặng.
Để làm món bánh ống lá dứa, khâu quan trọng nhất là làm khuôn đúc bánh. Ngày trước, bà con Sóc Trăng thường dùng tre để làm khuôn, dần dần người ta chuyển sang dùng ống nhôm cho tiện lợi.
Bánh ống lá dứa
Về phần nguyên liệu, để làm món này người ta phải chuẩn bị bột gạo xay nát, đường cát, nước cốt dừa và lá dứa. Bánh ống lá dứa sau khi hấp chín tròn dài có màu xanh nhạt đẹp mắt, khi ăn ngọt ngọt beo béo thơm lừng mùi lá dứa.
Ở Sóc Trăng, bánh ống lá dứa được bán ở chợ, dọc theo các con đường hầu như khắp mọi nơi. Đặc biệt, giá của món bánh này khá rẻ chỉ tầm vài ngàn đồng một cái.
9. Mắm bò hóc
Miền Tây được xem là thủ phủ của những loại mắm thơm ngon, hấp dẫn. Ở miệt Sóc Trăng, người ta vẫn thường nhắc về mắm bò hóc như một món ăn đặc sắc tiêu biểu trong văn hóa ẩm thực của người Khmer.
Cá được chọn để làm món mắm bò hóc thường là những loại cá nước ngọt như cá lóc, cá sặc, cá mề gà, cá đói… Cá sau khi mang về làm sạch, đánh vẩy, bỏ ruột đem phơi nắng rồi nén lại trong chum, vại với gia vị và muối theo tỉ lệ nhất định.
Mắm bò hóc
Trong quá trình ủ mắm, người ta sẽ dằn cho con mắm rỏ nước, xác mắm tiếp tục được sấy cho đến khô. Sau khoảng thời gian từ 4 – 6 tháng là mắm có thể dùng được.
Mắm bò hóc khi ăn vào có vị ngọt, mùi nhẹ hơn mắm tôm là món ăn đặc sản được người Khmer dùng để tiếp đãi khách quý khi đến nhà. Món này ngon nhất là dùng kèm với cơm nóng và rau sống. Ngoài ra, người ta cũng có thể sử dụng mắm bò hóc để nấu bún hoặc trộn với thịt thưởng thức cũng rất ngon.
10. Mắm ba khía
Bên cạnh mắm bò hóc thì mắm ba khía cũng là đặc sản nức tiếng thường được khách du lịch mua về làm quà mỗi khi có dịp ghé lại Sóc Trăng.
Ba khía là một loại còng nhỏ có càng to thường sống ở những bãi bồi nước lợ, dưới tán của cây đước, cây bần. Ở vùng Sóc Trăng, người ta thường bắt con ba khía để chế biến thành nhiều món ăn ngon. Trong đó dễ chế biến và ngon nhất là làm mắm.
Mắm ba khía
Ba khía sau khi bắt về, rửa sạch bùn đất rồi thả vào lu nước muối, dùng lá dừa đậy lại, ủ từ 5 – 10 ngày là có thể dùng được. Khi ăn, người ta sẽ vớt con ba khía ra rửa sạch qua nước sôi, xé nhỏ rồi trộn với tỏi, ớt, đường và nước chanh. Món này sẽ ngon hơn nếu dùng kèm với cơm nóng.
Con mắm ba khía khi ăn có vị mặn mặn ngọt ngọt hòa quyện cùng cái cay cay của ớt, nồng của tỏi, tổng thể tạo nên một món ăn vừa ngon lại vừa lạ miệng. Ngoài ra, đây cũng là món mồi nhăm nhi cùng rượu trắng lý tưởng, rất được các cánh mày râu yêu thích.
11. Vú sữa tím Đại Tâm
Vú sữa tím được xem là thức trái nổi tiếng được trồng nhiều ở vùng Đại Tâm huyện Mỹ Xuyên. Mang đến hương vị thơm ngon đặc trưng, vú sữa tím Đại Tâm từ lâu đã là món đặc sản mua về làm quà không thể thiếu ở Sóc Trăng.
Được biết, cây vú sữa tím đã có mặt tại vùng đất Đại Tâm từ trước những năm 1975. Hiện nay, toàn vùng có đến hàng chục ngàn cây vú sữa trải đều tại các ấp. Mùa vú sữa chín thường bắt đầu từ tháng 12 đến hết tháng Giêng âm lịch.
Vú sữa tím Đại Tâm
Được đánh giá là có vị ngọt thanh, hạt nhỏ lại vỏ mỏng, trái vú sữa tím Đại Tâm hoàn toàn được trồng theo phương thức truyền thống, khi chín có màu tím than căng mọng nhìn rất đẹp mắt.
Để đảm bảo về độ an toàn cho sức khỏe, trái vú sữa tím Đại Tâm được người dân để chín theo tự nhiên không phun thuốc, khi ăn vào sẽ cảm nhận được rõ vị ngọt nguyên chất.
12. Bưởi năm roi Kế Thành
Bên cạnh trái vú sữa tím Đại Tâm thì ở Sóc Trăng còn có bưởi năm roi Kế Thành, đây cũng là loại quả đặc sản nổi tiếng mà bạn có thể mua về làm quà cho người thân gia đình.
Bưởi năm roi Kế Thành được trồng nhiều nhất ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách với diện tích toàn vùng trên 500 hecta. Trái bưởi năm roi Kế Thành hầu như có quanh năm, mùa nào cũng có, được bán với giá chỉ vài chục ngàn một kí.
>>>>>Xem thêm: Bí quyết khi đi du lịch Sapa tự túc theo tháng
Bưởi năm roi Kế Thành
Với đặc điểm vỏ mỏng, màu trái vàng óng, sáng đẹp, có vị ngọt rất đậm đà, ăn không the, khi chín không có hạt, bưởi năm roi Kế Thành rất được người tiêu dùng ưa chuộng mua về thưởng thức cũng như biếu tặng.
Được trồng theo phương thức an toàn, trái bưởi năm roi Kế Thành rất đảm bảo về sức khỏe. Đặc biệt đây cũng là loại quả cung cấp nhiều vitamin thích hợp cho trẻ nhỏ và những người lớn tuổi.
Vậy là bạn đã cùng với Kinhnghiem24h.edu.vn có một chuyến về “xứ sở của những ngôi chùa” tìm hiểu Top 12 món đặc sản ngon nhất ở Sóc Trăng mua về làm quà. Hi vọng với những thông tin vừa được chia sẻ ở bài viết trên, tour du lịch về Sóc Trăng sắp tới du khách sẽ tìm được những món đặc sản làm quà ưng ý. Để đặt tour du lịch Sóc Trăng, vui lòng gọi 028 7300 6749 hoặc 1900 6749.
Kinhnghiem24h.edu.vn