Thông tin địa chỉ Chùa Lá Sen Đồng Tháp ở đâu?

Chùa Lá Sen có tên gọi chính thức là chùa Phước Kiển. Chùa nổi tiếng có loài sen khổng lồ hiếm có. Lá sen ở chùa có đường kính từ 2-3m, chịu được cân nặng lên đến 140kg. Do vậy, rất nhiều du khách tò mò muốn đến chùa để hành hương, cúng bái đồng thời chiêm ngưỡng, trải nghiệm ngồi trên lá sen và nghe những câu chuyện ly kỳ về thần rùa và thần hạc.

Chẳng biết từ khi nào, lá sen khổng lồ đó lại là đặc điểm nhận biết của chùa và cái tên chùa Lá Sen trở nên thân thương hơn trong lòng du khách. Tuy nhiên, có nhiều khách hiểu lầm về địa chỉ của chùa Lá Sen là ở Cần Thơ hoặc ở Vĩnh Long trong khi chùa ở Đồng Tháp. Mời quý khách cùng Viet Fun Travel tìm hiểu kỹ hơn về thông tin địa chỉ chùa Lá Sen nhé.

Chùa Lá Sen ở đâu?

Địa chỉ chính xác chùa Lá Sen ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, Đồng Tháp. Vị trí chùa cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 25km và cũng cách thành phố Vĩnh Long khoảng 25km. Chính vì vậy nên nhiều người hiểu lầm chùa Lá Sen Cần Thơ hay chùa Lá Sen Vĩnh Long.


Chùa Lá Sen ở xã Hoà Tân, huyện Châu Thành, Đồng Tháp

Chùa Lá Sen là nơi tín ngưỡng của người dân địa phương từ thời vua Thiệu Trị, có lịch sử hơn 100 năm. Trong chiến tranh, nơi đây còn được biết đến là căn cứ vững chắc của cách mạng. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngày này ngôi chùa trở thành điểm du lịch miền Tây yêu thích của du khách. Chùa từng bị dội bom nên có nhiều hố sâu.

Những hố bom được các sư thầy trong chùa cải tạo dùng làm hồ trồng sen, súng, vừa khỏa lấp được vết tích của chiến tranh vừa có không gian đẹp để khách du lịch tham quan.

Sen khổng lồ hiếm thấy

Có rất nhiều loại sen, súng được sư trụ trì đem trồng nhưng nổi bật là loài sen lạ có lá đường kính từ 2m – 3m, dày và nhiều gai tự mọc lên sau khi giặc thả bom. Cọng sen to gần bằng cổ tay người trưởng thành, mép lá cao 2 – 5cm tạo thành hình cái nia trông rất lạ mắt. Khi nở ra, những lá sen có hình tròn to lớn khác biệt, khiến nhiều người dân hiếu kỳ đến xem. Tương truyền lúc ấy người đến xem lá sen khổng lồ xếp hàng từ chùa đến cả cuối con đường.


Một du khách nhí thích thú khi ngồi trên lá sen chụp ảnh

Do ở chùa có loài sen hiếm khổng lồ nên thu hút rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước đến hành hương. Lá sen to như một chiếc thuyền độc mộc đẹp mắt. Ngồi trên lá sen cảm giác vô cùng lạ lẫm, thú vị như đang được ở xứ sở thần tiên. Cho nên khách đến thăm chùa rất muốn được trải nghiệm cảm giác ngồi trên lá sen và ghi lại những bức hình kỷ niệm.

Nguồn gốc của loài sen lạ

Có thông tin cho rằng, loài sen khổng lồ này có nguồn gốc ở vùng Amazon, Nam Mỹ, tên khoa học là Victoria regia. Đường kính trung bình mỗi lá từ 2m – 3m, lá to, dày và có nhiều gai. Mép lá uống cong lên khoảng 5cm như một cái mâm lớn nên người ta hay gọi nó với cái tên là sen vua, súng nia hoặc cây nong tằm…


Lá sen to tròn lạ mắt

Những chiếc lá sen có diện tích to nhỏ theo mùa. Vào mùa khô những lá sen chỉ rộng khoảng 1m -2m, đến mùa mưa, sen hấp thụ đủ nước và nở ra lớn từ 3m. Đây chính là thời điểm nhiều du khách đến thăm chùa nhất để tận mắt ngắm nhìn loài sen này.

Hoa của sen này cũng to lớn hơn những loài sen khác. Cách hoa nở ra cũng khác lạ. Mỗi đóa hoa sẽ nở trong 3 ngày và mỗi ngày nở 2 lần, chuyển màu liên tục. Hoa sen nở lần đầu vào khoảng 6h tối tỏa hương thơm ngát đến 12 giờ sáng hôm sau thì bắt đầu khép lại. Tầm 3 giờ hoa lại nở, đến khoảng 4 – 5 giờ chiều thì khép cánh. Từ màu trắng hồng ban đầu, mỗi lần hoa nở sẽ sẫm hơn một chút đến khi tàn sẽ có màu tím thẫm.


Khi sắp tàn hoa sen có màu tím thẫm rất nổi bật

Lưu ý khi chụp hình với sen khổng lồ

Những chiếc lá sen có kích thước khác nhau, trung bình có thể chịu được sức nặng từ 80kg – 150kg. Tuy vậy, để bước được lên lá sen, quý khách được người dân để một cái mâm thiếc đặt giữa lá sen. Cái mâm ấy giúp cho sức nặng cơ thể quý khách tản lực ra xung quanh lá sen.


Dụng cụ hỗ trợ chụp ảnh là mâm thiếc tản lực

Khi chụp ảnh cùng lá sen, quý khách nên nhờ người đi cùng giữ điện thoại, ví tiền và các trang phục khác. Phòng trường hợp lá sen không chịu được sức nặng tránh bị hư hỏng đồ đạc. Giá vé chụp hình chùa Lá Sen là 20.000đ/người. Vé bao gồm mâm để đặt lên lá sen tản lực, giúp quý khách đứng trên đó được. Đây là dịch vụ của người dân quanh đó mở ra để phục vụ khách tham quan.


Sư chùa chụp cùng lá sen khổng lồ

Chùa là nơi yên tĩnh, thanh tịnh nên khi đến đây quý khách cần giữ trật tự, nói cười nhẹ nhàng. Các hoạt động tham quan, chụp ảnh ở chùa cũng đều diễn ra trong sự khẽ khàng, lịch sự . Ngoài ra, quý khách cần đảm bảo hoạt động, vui chơi của trẻ em đi cùng được an toàn trước những ao nước sâu.

Hành hương tại chùa nghe chuyện bí ẩn

Chùa Lá Sen Đồng Tháp mặc dù là ngôi chùa nhỏ thế nhưng lại có lịch sử hình thành hơn trăm năm. Không chỉ thu hút du khách bởi loài sen lạ, trong chùa Lá Sen còn lưu truyền câu chuyện về linh quy và linh hạc.

Câu chuyện lưu truyền về cụ quy

chùa Lá Sen hiện có nuôi 18 con rùa, có những con được nuôi từ rất lâu. Rùa ở đây có con đã hơn cả 100 năm tuổi. Vì đã lâu năm nên người ta thành kính gọi là cụ quy. Thầy Thích Huệ Từ đang là trụ trì của chùa nay đã 80 tuổi cho biết: năm 1948 chùa có nuôi một cụ quy.

Có một lần cụ quy bị ăn cắp và bị đem ra bày bán ở chợ. May sao trong một lần đi chợ, vô tình được sư thầy bắt gặp nên đã chuộc cụ về với một số tiền rất lớn thời bấy giờ là 1.500 đồng.

Đến những năm chiến tranh, vì chùa là nơi căn cứ kháng chiến của cách mạng nên hay bị quân địch để ý. Trong một lần tên lính Mười Phu đến chùa lục soát, muốn bắt rùa làm thịt uống rượu, hạch sách thầy chứa chấp Việt Cộng. Hắn ta thử thách nếu thầy đem cụ rùa ra khỏi chùa mà vẫn biết đường quay về thì sẽ tha mạng cho thầy.

Trước sự chứng kiến của nhiều người, hắn ta đem bỏ cụ rùa cách xa cổng chùa, thậm chí là ở tận bờ sông nhưng cụ vẫn tìm được đường quay về. Quá ngạc nhiên, tên lính vào chùa xin thề từ nay không ăn thịt rùa nữa. Đồng thời tên lính cũng xin Việt Cộng không bắn để hắn quay đầu.

Câu chuyện về linh hạc

Năm 1999, khi ra chợ, thầy Thích Huệ Từ nhìn thấy một con hạc bị người thợ săn trói để bán. Nhìn thấy con hạc đáng thương, thầy bỏ tiền mua lại để phóng thích hạc bay đi. Tuy vậy, con hạc không bay về rừng mà quấn quýt lấy cụ rùa. Cả hai dần trở thành đôi bạn thân bên nhau và rất hiểu lời thầy.

Nhưng mỗi ngày hạc lại ăn 1kg cá, cho đồ chay không ăn đã phạm vào quy tắc của nhà chùa. Nên sau 20 ngày thầy phóng hạc bay về trời. Trước khi bay đi, bay vài vòng qua chánh điện và kêu dữ dội lắm. Sau khi hạc bay đi, cụ quy buồn quá bỏ ăn, 1,5 tháng sau cũng chết theo tư thế đứng. Xác cụ quy giờ vẫn đang được trung bày trong lồng kính để thầy tụng kinh cho siêu thoát.


Di thể cụ rùa trong tư thế đứng hiên ngang tại chùa để trong lồng kính

Hiện tại, chùa vẫn đang lưu giữ những bức ảnh của cụ quy và hạc hai linh vật với những sự việc diễn ra mà không thể giải thích được. Quý khách đến chùa sẽ được thầy kể lại những câu chuyện ly kỳ liên quan đến hai linh vật này.

Có một điều rất lỳ lạ là những cụ rùa thầy đang nuôi trong chùa dường như rất hiểu lời thầy nói. Hằng ngày, thầy vẫn tắm rửa, cho cho các cụ rùa ăn rồi bế 2 cụ vào sảnh chùa. Nhưng nay thầy đã 80 tuổi nên không còn bế được các cụ rùa nữa. Thầy mới nói với các cụ rùa từ đó các cụ sau khi được ăn thì tự động bò vào sảnh chùa. Quý khách đến chùa có thể đến chụp ảnh, trò chuyện với các cụ rùa.

Phước Kiển tự được bà con gọi thân mật là chùa Lá Sen không có kiến trúc đặc biệt, ở một vùng quê không đông đúc, tấp nập nhưng lại có những điều độc đáo thu hút du khách tới hành hương. Đó là loài sen lạ khổng lồ và những câu chuyện ly kỳ về các linh vật ở chùa. Nếu một lần về du lịch Đồng Tháp, quý khách nhớ địa chỉ của chùa ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành và ghé thăm ngôi chùa đặc biệt này nhé!

Du lịch Việt Vui tổng hợp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *