Sân và vườn – mới nghe tưởng như ít liên quan đến kiến trúc, tới ngôi nhà, hay các công việc xây dựng. Nhưng thực tế, sân và vườn là những thành phần rất quan trọng, góp phần tạo nên giá trị của công trình. Từ ngôi nhà dân gian xưa ở nông thôn, đến ngôi nhà đô thị hiện nay, là một khoảng thời gian dài và đã có rất nhiều thay đổi; nhưng sân và vườn vẫn có những giá trị riêng nhất định. Đó không chỉ là những khoảng đất trống hay là khu đất trồng cây…
Bạn đang đọc: Sân và vườn trong nhà ở đô thị
Sân và vườn trong một nhà hàng theo kiến trúc nhà vườn ở Huế. Khoảng sân trước nhà cùng vườn cây bao quanh kết hợp hài hoà và nhấn mạnh kiến trúc chủ thể; sân cũng là nơi có thể tổ chức các hoạt động khác.
Sân và vườn
Theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt, thì:
– Sân (danh từ): 1 – Khoảng đất trống ở trước hay sau nhà để phơi phóng hoặc để trẻ con chơi; 2 – Khoảng đất rộng để chơi thể thao.
– Vườn (danh từ): khu đất để trồng cây cối, rau cỏ.
(Từ điển tiếng Việt – tác giả Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học xã hội – 1977)
Chiểu theo nghĩa gốc của từ điển, thì có thể hiểu sân và vườn là những khoảng đất, khu đất, những bề mặt phẳng ngang, được sử dụng có mục đích (theo định nghĩa). Sân (nghĩa thứ nhất, nằm trong phạm vi đề cập của bài viết) gắn liền với ngôi nhà, với công trình kiến trúc; vườn gắn liền với hoạt động trồng trọt. Như vậy sân và vườn đều gắn liền với cuộc sống của con người.
Trong ngôi nhà dân gian truyền thống xưa ở nông thôn, sân và vườn là những yếu tố không thể thiếu, gắn bó chặt chẽ cùng kiến trúc và tạo nên một tổng thể chung. Nhà, sân, vườn (và có thể cả ao) là một chuỗi hệ thống chức năng của không gian sống, sinh hoạt và lao động sản xuất. Sân là một khoảng đệm trước nhà tạo nên tầm nhìn thông thoáng theo cả hai chiều. Thông thường nhà nông thôn xưa đều có một khoảng sân trước nhà dài bằng chiều dài nhà, rộng (sâu) chừng vài mét; một số nhà có đất rộng có thể có sân sau hoặc vị trí khác trong tổng thể. Sân có thể được lát gạch, cũng có thể chỉ là sân đất (được đầm chặt). Sân là nơi phơi nông sản, là nơi tập kết nông cụ – vật liệu; là nơi làm các công việc khác của nhà nông… Sân là chỗ sinh hoạt, vui chơi và là nơi tổ chức các hoạt động nghi lễ, ăn uống khi nhà có việc (cúng giỗ, hiếu, hỷ…). Có thể nói sân là một diện tích – không gian rất đa năng và linh hoạt.
Trước sân, phía ngoài thường có vườn, và vườn còn có thể bao bọc quanh nhà. Vườn trước hết là một dạng tư liệu sản xuất trong mô hình kinh tế tự cung tự cấp ở nông thôn. Vườn là nơi trồng trọt các loại cây ăn quả, rau xanh, các loại hoa… Những nhà có vườn rộng có thể trồng cả tre và những loại cây lấy gỗ như xoan, mít… (những loại cây này cung cấp những vật liệu thiết thực cho đời sống). Vườn cũng là nơi chôn lấp, tiêu huỷ chất thải, rác thải (chủ yếu là rác hữu cơ) tạo nên sự cân bằng sinh thái, môi trường. Vườn tạo nên không gian xanh, chắn nắng, ngăn bức xạ nhiệt vào ngôi nhà ở… Có thể nói vai trò của sân và vườn trong ngôi nhà truyền thống ở nông thôn rất quan trọng và có sự gắn bó, liên hệ chặt chẽ với nhau.
Khi con người cư trú đô thị, trong những ngôi nhà phố, dù cách thức sinh hoạt, làm việc, môi trường sống đã khác rất nhiều so với nông thôn, thì sân vườn vẫn cứ cần thiết cho ngôi nhà, và là một trong những tiêu chuẩn không tách rời để đánh giá ngôi nhà cùng với kiến trúc.
Lùi lại một chút để có một khoảng sân vườn nho nhỏ.
Cân đối nhà – sân – vườn
Trong đô thị hiện nay, đa phần nhà ở không có sân vườn, hoặc chỉ đủ có sân (nhỏ) mà không thể có vườn. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng ai cũng mong muốn sống trong một ngôi nhà có đầy đủ sân vườn, như một môi trường sống lý tưởng. Ở đây, xin được đề cập đến những ngôi nhà ở đô thị, nhà ở hiện đại có sân vườn, dù đã khác rất nhiều với sân vườn của ngôi nhà dân gian truyền thống.
Ngoại trừ những khu vực phải tuân thủ chặt chẽ các quy định xây dựng theo quy hoạch, (trong cơ cấu sử dụng đất, mật độ xây dựng… thường ở các khu đô thị mới, hoặc khu vực bảo tồn); thì vấn đề quyết định một cơ cấu nhà – sân – vườn với tỷ lệ như thế nào hoàn toàn do chủ đầu tư quyết định theo nhu cầu và ý thích. Trong thời buổi tấc đất tấc vàng, việc hy sinh diện tích xây dựng công trình kinh doanh để làm sân vườn là rất khó đối với chủ đầu tư. Với công trình nhà ở gia đình nói riêng, thì phần lớn chủ nhà chỉ có khả năng kinh tế cho một “cuộc đất” vừa đủ, không thừa để làm sân vườn. Thế cho nên sân vườn trong nhà ở đô thị có thể là một điều gì đó thật xa xỉ với số đông.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở một khía cạnh khác, thì diện tích sử dụng chưa phải là yếu tố hoàn toàn quyết định giá trị của công trình. Giá trị của công trình còn được đánh giá trên nhiều yếu tố khác, trong đó có giá trị thẩm mỹ, không gian, cảnh quan, môi trường, sự tiện lợi trong sử dụng, giao thông… Sân – vườn góp phần tạo nên những giá trị đó, dù là bất kỳ thể loại công trình nào. Sân trong nhà ở đô thị bây giờ không phải là nơi phơi phóng nông sản, vườn cũng không phải là nơi trồng trọt, sản xuất… Vai trò và chức năng của nó đã có nhiều thay đổi, song về bản chất nó không thay đổi là tạo nên những không gian hỗ trợ cho kiến trúc chính, hỗ trợ cho những hoạt động của con người (sống, sinh hoạt, làm việc…).
Tìm hiểu thêm: Mẫu giường kết hợp tủ vô cùng tiện lợi
>>>>>Xem thêm: Thiết kế bàn cà phê ấn tượng, phong cách cho nhà đẹp
Vẫn có thể có sân, vườn dù diện tích rất eo hẹp.
Ngày càng nhiều người nhận ra những giá trị đó (thông qua vai trò tư vấn của các kiến trúc sư), và sân vườn là một hạng mục được quan tâm xứng đáng ở các vấn đề công năng và thẩm mỹ. Sân cần thiết như một khoảng lùi để tránh những khói bụi, ồn ào; sân là nơi để xe, và cũng vẫn giữ vai trò linh hoạt cho các hoạt động khác khi cần thiết. Thực tế, nhiều người xây nhà rộng hết đất rồi lại ân hận không để lại một khoảng sân, dù chấp nhận nhà chật hơn, phòng hẹp hơn. Còn vườn bây giờ không phải là nơi trồng trọt, tăng gia sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp nữa, mà có chức năng chính là làm cảnh, tôn cho kiến trúc đẹp hơn, mềm mại hơn gần gũi hơn; và cũng góp phần tạo nên môi trường vi khí hậu tích cực, chống nắng nóng. Những bức bối đến nghẹt thở của cuộc sống đô thị, môi trường đô thị, tác phong làm việc công nghiệp khiến người ta có nhu cầu quay trở lại, tìm kiếm sự bình yên của thiên nhiên, của những mảng xanh cây cối và bầu không khí trong lành. Khi đó mới thấy một mảnh vườn có giá trị biết bao. Điều đó cần thiết để cân bằng cuộc sống!
Sân – vườn rất cần được cân đối cùng với nhà trong bình đồ tổng thể. Nhà nên có sân – vườn, dù nhỏ; bởi chẳng bao giờ là thừa, là vô ích, là phí. Nhiều khi sân – vườn khi nó đem lại giá trị rất lớn mà “diện tích xây dựng” hay “diện tích sàn sử dụng” không bao giờ có. Với ngôi nhà ở gia đình, sân và vườn cũng cần được cân đối với nhau, tất nhiên chẳng có tiêu chuẩn nào cả! Có thể sân nhiều vườn ít, sân ít vườn nhiều hoặc cân bằng, tương đương. Hãy căn cứ vào nhu cầu thực tế sử dụng và cả những ý thích cá nhân để làm điều đó. Nhưng chắc chắn rằng, có sân vườn là được chứ không phải là mất.