(Dân trí) – Nghe đến những món đặc sản như bánh uôi, bánh tai hay bánh 7 lửa,… chắc hẳn có không ít du khách ngạc nhiên và thích thú. Những món bánh này hấp dẫn từ màu sắc, hình dáng và quyến luyến thực khách ngay từ lần thưởng thức đầu tiên.
Bạn đang đọc: Những món bánh có cái tên kỳ lạ, ít người biết ở Việt Nam
Bánh uôi
Bánh uôi là đặc sản và là niềm tự hào của người Mường ở Hòa Bình. Bánh có rất nhiều tên gọi khá hay, ý nghĩa khác như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hay bánh đoàn kết….
Bánh uôi là một nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của miền sơn cước.
Nguyên liệu chính để làm nên loại bánh thơm ngon này là bột gạo nếp nương. Bánh uôi có hai loại: nhân mặn và bánh ngọt. Bánh nhân ngọt được làm từ hạt nho nhe (một loại hạt có ở xứ Mường, Hòa Bình) hoặc từ đậu xanh. Còn nhân mặn sẽ có thịt lợn tẩm ướp gia vị.
Bánh được gói với lá chuối hoặc lá bương để đạt được mùi đặc trưng, thơm ngon nhất. Khi ăn bánh uôi, thực khách phải tước từng chút lá một, nếu không bánh sẽ bị bong ra, rất khó thưởng thức. Bánh uôi thường được làm vào các dịp lễ tết. Đặc biệt, trong tang ma của người Mường cũng không thể thiếu được bánh này.
Bánh tai
Bánh tai là một đặc sản mà hầu như làng quê Phú Thọ nào cũng có. Trước kia, bánh được gọi là bánh trai vì được nặn theo hình con trai. Nhưng về sau, dân gian gọi tắt là bánh tai. Nguyên liệu để làm món bánh rất đơn giản, chỉ cần gạo tẻ, thịt lợn và các loại gia vị cần thiết.
Vốn là thứ quà quê dân dã nhưng bánh tai được rất nhiều người dân Phú Thọ ưa thích, du khách đến vùng đất tổ cũng có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này.
Qua bàn tay nhào nặn tài tình, những chiếc bánh tai nóng hổi đã ra lò thơm nức.
Khi ăn bánh tai, phải nếm chậm rãi, cắn từng miếng nhỏ mới có thể cảm nhận hết được mùi bột quyện trong mùi thịt, hành ngây ngất. Thưởng thức xong rồi mà mùi thơm của bánh vẫn còn phảng phất mãi chẳng rời.
Bánh răng bừa
Bánh răng bừa thực chất là bánh tẻ hoặc bánh lá, nhưng người Thanh Hóa gọi tên như vậy vì hình dạng chiếc bánh trông giống cái răng bừa. Đây là loại bánh truyền thống thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc.
Nguyên liệu làm bánh răng bừa là gạo tẻ. Còn nhân bánh là tổng hòa của các hương vị từ hành khô, mộc nhĩ, thịt ba chỉ, hạt tiêu, gia vị. Những chiếc bánh thon dài sau khi gói xong sẽ được đem hấp hoặc luộc cho đến lúc mùi thơm của thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu hòa với mùi bột gạo tỏa ra ngào ngạt.
Bánh răng bừa có cái tên lạ mà hương vị cũng rất thơm ngon.
Cắn một miếng bánh, bạn sẽ cảm nhận được bao nhiêu tinh hoa của đất, của trời và cứ muốn thưởng thức mãi không thôi.
Bánh vạc
Do có hình dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh và có màu trắng trông như những đóa hoa hồng nên bánh vạc còn có tên gọi khác là White Rose (hoa hồng trắng). Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An.
Tìm hiểu thêm: Đi du lịch thành phố Cà Mau có gì chơi? Du khách đã biết chưa?
Món bánh đẹp mắt của Hội An.
Nguyên liệu chính để làm bánh vạc là tinh bột gạo. Nhưng để có được đĩa bánh vạc như ý thì bột gạo phải được lọc đi lọc lại nhiều lần. Nhân bánh chủ yếu làm từ tôm tươi, thịt xay nhuyễn trộn với tiêu, hành, nấm mèo, muối, nước mắm…
Đĩa bánh vạc dọn ra được rắc thêm hành phi lên trên, chấm kèm nước mắm ớt được pha thật khéo. Nhâm nhi miếng bánh vạc trong miệng, vị ngọt của nhân thịt tôm, giai giòn của vỏ bánh, thơm của hành phi, cay cay, mặn mặn của ớt và nước mắm… tất cả hòa quyện chỉ trong một miếng.
Bánh bảy lửa
Ai đã từng về thăm mảnh đất Quảng Nam sẽ không thể quên loại bánh khô mè. Chiếc bánh có hình vuông hay chữ nhật, được bao phủ bởi lớp mè thơm phức, qua 7 lần nướng mới tạo nên vị thanh bùi và ngon ngọt… Vì thế, món bánh khô mè ấy còn được gọi bằng cái tên dân dã: bánh 7 lửa.
Cắn một miếng, thực khách sẽ cảm nhận được độ giòn tan thấm dần nơi đầu lưỡi.
Nguyên liệu tuy rất đơn giản, nhưng công đoạn chế biến thì công phu, đòi hỏi nhiều thời gian, sự khéo léo và kinh nghiệm của người làm bánh lâu năm. Từ những nguyên liệu đơn sơ mộc mạc như bột gạo, đường kính, gừng, mè… qua bàn tay của con người lại trở thành món bánh tuyệt hảo.
Chiếc bánh 7 lửa khá xốp và giòn, có vị ngọt của đường, vị bùi của mè và chút thanh của vị gừng. Để có thể thưởng thức món bánh đúng “chuẩn”, du khách đừng quên nhâm nhi cùng chén trà nóng thơm ngon.
Bánh chông Giao Tiến
Bánh chông là món ăn ngày tết của cư dân ở xã Giao Tiến, huyện Xuân Thủy, Nam Định. Cách nấu bánh có một công đoạn tương tự như xôi gấc, nhưng sau khi chín xôi thì trộn đường vào rồi giã cho nhuyễn. Sau đó ép lại, cắt thành miếng hình thoi cỡ ngón tay, phơi khô, rang giòn lên rồi mới ăn.
>>>>>Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Vũng Tàu tự túc vào dịp Tết
Do miếng bánh hình thoi nhọn hai đầu giống cây chông nên gọi là bánh chông.
Bánh giòn, có màu hồng cam rất đẹp, mùi thơm ngon, vị ngọt. Món bánh này đến nay tại Nam Định cũng không còn mấy phổ biến, chỉ còn vài gia đình làm để cung cấp theo đơn đặt hàng hoặc mang lên thành phố biếu cho người thân làm quà cho đỡ nhớ quê.
Theo Hoàng Ngọc – Báo Dân Trí