Cổ Loa thành là tòa thành đất lớn nhất ở nước ta, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km nên Cổ Loa thành là địa điểm du lịch có thể đi về trong ngày, rất thuận tiện.
Bạn đang đọc: Khám phá Cổ Loa Thành ở Hà Nội với niên đại cổ nhất Việt Nam
1. Đi đến Cổ Loa thành như thế nào?
Đường đến Cổ Loa thành từ Hà Nội có nhiều đường và tuyến nào cũng dễ đi. Do đó, du khách có thể đi được bằng xe ôm, tự chạy xe máy, đi xe bus hoặc đi ô tô. Phương tiện rẻ nhất để đi đến Cổ Loa thành là xe bus.
Có khá nhiều tuyến xe bus đi tới Cổ Loa, du khách có thể dựa vào địa điểm mình đang ở để chọn tuyến phù hợp. Chẳng hạn:
– Du khách ở khu vực công viên Thống Nhất thì chọn xe 43.
– Ở bến xe Mỹ Đình thì bắt xe 46.
– Ở đại học Nông Nghiệp thì bắt xe 59.
Khu di tích Cổ Loa thành
Những du khách đi xe máy đến Cổ Loa thì có thể đi theo một trong các tuyến đường sau:
– Du khách đi theo đường Phạm Văn Đồng ra cầu Thăng Long rồi đi ra quốc lộ 3 là tới đường Cổ Loa.
– Du khách đi từ trung tâm Hà Nội đến cầu Chương Dương, lên cầu Đông Trù, ra đường Tiên Hội, đến quốc lộ 3.
– Du khách từ trung tâm Hà Nội đi đến cầu Nhật Tân, đi tiếp theo đường 5 đến quốc lộ 3 là tới đường Cổ Loa.
Do có nhiều tuyến đường từ khắp thành phố Hà Nội đến Cổ Loa như vậy nên nhiều du khách đi tour Hà Nội đã chọn Cổ Loa làm điểm du lịch đầy thú vị cho mình.
2. Cổ Loa thành có gì?
Tương truyền rằng, thành Cổ Loa khi mới được xây dựng có 9 vòng hình xoáy trôn ốc nên còn được gọi là thành Ốc. Hiện tại, do chiến tranh và sự bào mòn của thời gian, thành chỉ còn 3 vòng trôn ốc. Cấu trúc thành được chia làm 3 phần: thành nội, thành trung và thành ngoại. Trong đó thành ngoại có chu vi khoảng 8km, gồm tường thành và lũy liền kề, có lũy cao tới 12m.
Thành ngoại Cổ Loa
Thành trung cũng được thiết kế như thành ngoại nhưng kiên cố hơn, chu vi hẹp hơn, khoảng 6,5km. Thành nội là nơi ở của vua An Dương Vương và hoàng tộc với diện tích khoảng 2,2km.
Thành Cổ Loa có những công trình nổi tiếng sau đây:
– Đền thờ An Dương Vương: Thuộc thành nội, nằm ở vị trí trung tâm của Cổ Loa. Vị trí của đền khá lý thú: đền nằm trên một gò đất hình rồng, hai cánh rừng nằm hai bên, phía trước là một hồ nước lớn. Giếng Ngọc – nơi nhân vật Trọng Thủy tự vẫn cũng nằm ở đây. Có một số di vật lịch sử được lưu giữ trong đền như cặp ngựa hồng – bạch, các đồ bằng sứ, vải… Ở cổng đền là hai con rồng đá mang đặc trưng điêu khắc thời Lê.
– Đình Cổ Loa: Tương truyền được xây dựng trên khu đất vua Thục Phán thiết triều năm xưa, đình Cổ Loa có kiến trúc khá vững chãi. Giữa đình Cổ Loa là một bức võng chạm khắc tinh xảo hình long, ly, quy, phượng và đào, cúc, trúc, mai.
Tìm hiểu thêm: Top quán café võng ở Vũng Tàu dành cho dân phượt
Đình Cổ Loa
– Am Mị Châu: Là nơi cầu duyên nổi tiếng với người dân trong vùng, am Mị Châu là nơi thờ công chúa Mị Châu. Trong am là một tảng đá không đầu được người dân Cổ Loa tìm thấy từ xưa và đem về thờ. Trước am là một cây đa rất lớn, tuổi thọ lên tới hơn nghìn năm.
– Đền thờ Cao Lỗ: Cao Lỗ là vị tướng giỏi của vua An Dương Vương, người có công sáng tạo ra nỏ Liên Châu (được gọi là nỏ thần có thể bắn ra nhiều mũi tên cùng một lúc) và là người chỉ huy xây dựng Cổ Loa thành. Trong đền thờ Cao Lỗ có một số di vật khảo cổ mà đặc sắc nhất là các mũi tên đồng.
Với những công trình đầy dấu ấn thời gian như trên, thành Cổ Loa không chỉ là địa điểm du lịch Hà Nội mà còn là di tích mang giá trị lịch sử lớn của nước ta.
3. Một số lưu ý khi đến thành Cổ Loa
– Du khách nên đi Cổ Loa vào mùa thu hoặc chọn những ngày thời tiết mát mẻ, không quá nắng hoặc quá lạnh để tham quan dễ dàng hơn. Vì Cổ Loa khá rộng, nhiều công trình nên đi vào khi trời mát mẻ là thích hợp nhất.
– Đặc sản của Cổ Loa thành là quán cháo trai nằm ngay cổng chợ Cổ Loa. Quán chỉ bán từ 3h chiều đến khoảng 5, 6h chiều là hết. Cháo trai ở quán rất ngon, béo, ngọt và được ăn kèm với quẩy, cà pháo muối sổi lạ miệng.
– Du khách có thể mua một số đồ lưu niệm ở Cổ Loa về làm quà hoặc làm kỷ niệm như những con rùa đá nhỏ, tượng vua An Dương Vương, tượng tướng Cao Lỗ…
– Hàng năm, vào ngày 6 tháng Giêng, lễ hội thành Cổ Loa được tổ chức rất đông vui với những nghi thức tế lễ, đám rước và các trò chơi dân gian thú vị. Du khách có thể đến Cổ Loa vào ngày này để tham gia lễ hội một năm chỉ có một lần.
>>>>>Xem thêm: Du lịch Hà Nội có gì hấp dẫn?
Lễ hội Cổ Loa
Mong rằng với bài viết này, du khách sẽ hình dung được phần nào về địa điểm du lịch đầy hấp dẫn Cổ Loa thành. Trong thời gian tới, mời du khách đến với một địa điểm du lịch cũng rất được yêu thích của Hà Nội trong mấy năm gần đây đó là Việt Phủ Thành Chương. Quý khách nhớ đón đọc nhé.
Kinhnghiem24h.edu.vn tổng hợp