Hướng dẫn đường đi đến hồ Than Thở Đà Lạt

Là một trong những thắng cảnh hàng đầu của Đà Lạt, hồ Than Thở rất nổi tiếng và có một dấu ấn riêng trong lòng du khách gần xa. Thậm chí với nhiều người, đến Đà Lạt mà chưa đi hồ Than Thở là một thiếu sót lớn. Trong bài viết sau, Kinhnghiem24h.edu.vn sẽ hướng dẫn đường đi đến hồ Than Thở Đà Lạt cho du khách và chia sẻ một số thông tin đặc sắc về thắng cảnh này.

Bạn đang đọc: Hướng dẫn đường đi đến hồ Than Thở Đà Lạt

1. Hướng dẫn đường đi hồ Than Thở

Thành phố Đà Lạt mang vẻ đẹp thơ mộng, yên bình và đượm chút u buồn đầy lãng mạn. Trong bức tranh phong cảnh phong phú của Đà Lạt, hồ Than Thở như một nét vẽ mang dấu ấn đặc trưng của thành phố này. Nằm ở đường Hồ Xuân Hương, phường 12, thành phố Đà Lạt, hồ Than Thở có vị trí rất thuận lợi với khách du lịch khi nằm ở ngay trong thành phố.

Hướng dẫn đường đi đến hồ Than Thở Đà Lạt
Hồ Than Thở là thắng cảnh rất nổi tiếng của Đà Lạt

Du khách có thể đi đến hồ Than Thởtheo một trong hai tuyến đường dưới đây:

– Tuyến 1:

+ Từ chợ Đà Lạt, du khách theo đường Nguyễn Thị Minh Khai đi về hướng Đông Nam lên Phan Bội Châu rồi rẽ vào đường Bùi Thị Xuân.

+ Đến vòng xuyến, du khách đi vào đường Bà Huyện Thanh Quan ra đường Trần Quốc Toản và đi tiếp vào đường Sương Nguyệt Ánh.

+ Du khách đi vào đường Nguyễn Đình Chiểu vào Phan Chu Trinh và đi tiếp tới đường 27C.

+ Du khách đi thẳng đường 27C là tới đường Hồ Xuân Hương và đến hồ Than Thở.

– Tuyến 2:

+ Từ chợ Đà Lạt, phía cổng Phan Bội Châu, du khách đi theo đường Lê Thị Hồng Gấm đến cầu Ông Đạo.

+ Du khách đi tới đường Lê Đại Hành đến đường Trần Quốc Toản ở phường 1.

+ Du khách đi tiếp đường Trần Quốc Toản đến đường Quang Trung và đường Phan Chu Trinh.

+ Đến đường Hồ Xuân Hương, du khách đi tới cuối đường là sẽ thấy thắng cảnh hồ Than Thở.

Quãng đường du khách cần di chuyển là khoảng 6km. Du khách có thể dễ dàng đi đến địa điểm này bằng xe máy bởi đường đi của cả 2 tuyến đều bằng phẳng và dễ tìm.

Hướng dẫn đường đi đến hồ Than Thở Đà Lạt
Hồ Than Thở cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km

2. Sự tích tình yêu bên hồ Than Thở

Hồ Than Thở nằm giữa rừng thông xanh tốt trên một ngọn đồi cao. Nơi này gắn liền với sự tích về một tình yêu say đắm xen lẫn với đau khổ. Có nhiều phiên bản khác nhau về sự tích tình yêu ở đây, có phiên bản diễn ra vào thời kỳ Pháp thuộc, có phiên bản lại từ tận thời vua Gia Long.

Câu chuyện thời vua Gia Long như sau: Vào thế kỷ 18, khi Nguyễn Huệ dấy binh đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, trai tráng khắp nơi kéo nhau về đầu quân. Chàng trai Hoàng Tùng và cô gái Mai Nương khi đó đang yêu nhau say đắm. Hoàng Tùng nghe lời kêu gọi bảo vệ đất nước nên lên đường ra trận.

Trước khi đi, Hoàng Tùng và Mai Nương đến hồ Than Thở, hẹn sẽ gặp lại nhau khi mùa mai anh đào nở. Không lâu sau đó, Mai Nương nghe tin Hoàng Tùng tử trận nên đã nhảy xuống hồ tự vẫn. Nào ngờ, khi mùa xuân đến, Hoàng Tùng đem tin thắng trận trở về. Biết Mai Nương đã chết, chàng rất đau khổ và sau đó cũng nhảy xuống hồ tự vẫn theo nàng.

Câu chuyện thời Pháp thuộc gần giống như vậy. Khi đó, chàng trai tên Tâm học tại trường Võ bị Đà Lạt gần hồ Than Thở. Cô gái tên Thảo là trẻ mồ côi do các ma sơ nuôi dưỡng. Hai người vô tình gặp gỡ và yêu nhau tha thiết. Tuy nhiên, gia đình Tâm chê Thảo là nghèo hèn nên không chấp nhận mối tình của hai người.

Họ bắt Tâm trở về nhà và lấy người khác. Thảo vì quá đau khổ nên đã nhảy xuống hồ tự vẫn. Một thời gian sau, Tâm biết được và cũng không chịu nổi nỗi đau mất người yêu nên nhảy xuống hồ theo Thảo. Gia đình Tâm liền lập hai ngôi mộ tại đồi thông bên hồ cho hai người. Từ đó, đồi thông ở đây được gọi là đồi thông hai mộ.

Tìm hiểu thêm: Chiêm ngưỡng hình ảnh chợ Đà Lạt về đêm

Hướng dẫn đường đi đến hồ Than Thở Đà Lạt
Hai ngôi mộ gió ghi dấu chuyện tình dang dở trên đồi thông bên hồ Than Thở

Đồi thông hai mộ và câu chuyện tình dang dở của đôi trai gái đã trở thành một phần gắn chặt với hồ Than Thở Đà Lạt.Ngày nay, khi đến tham quan hồ Than Thở, du khách có thể thấy hai ngôi mộ nằm bên nhau trên đồi thông. Trên bia đá ở đồi thông còn có khắc bốn câu thơ, ghi lại chuyện tình yêu đau thương:

Hồ Than Thở mùa xuân lộng gió

Thông xanh rờn thảm cỏ êm êm

Xin mời bạn đến cao nguyên

Thăm hồ Than Thở ngẫm thiên sử tình”

3. Vẻ đẹp của hồ Than Thở

Trước kia, khu vực hồ Than Thở chưa phải là một hồ nước rộng lớn như bây giờ. Ở đây mới chỉ có một cái ao nhỏ gọi là Tơnô Pang Đòng. Sau đó, người Pháp đã đắp đập tạo thành một hồ chứa nước lớn tại đây nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt. Người Pháp đặt tên cho hồ chứa nước này là Lac Des Soupirs, nghĩa là “rì rào”. Tuy nhiên, khi dịch sang tiếng Việt thì nghĩa này bị biến đổi thành “than thở”.

Từ năm 1975, hồ được đổi tên thành hồ Sương Mai. Nhưng người dân đã quen với tên gọi Than Thở nên đến năm 1990, hồ được quay trở lại tên cũ. Do nằm trên đồi cao và giữa rừng thông nên hồ Than Thở có cảnh sắc ngập tràn thiên nhiên cùng không khí hết sức trong lành. Nhiều người nói rằng những cây thông quanh hồ Than Thở khác với thông tại nhiều khu vực khác của Đà Lạt. Thông ở đây mọc cao và thưa hơn, dưới tán thông là những thảm cỏ mịn màng.

Hướng dẫn đường đi đến hồ Than Thở Đà Lạt
Rừng thông thơ mộng bên hồ Than Thở

Do đó, khi mặt trời lên, từng tia nắng lấp lánh xuyên qua lá thông và nhảy nhót trên những thảm cỏ xanh. Khi sương giăng, những làn sương mờ ảo lẩn quẩn bên những hàng thông, đem đến cho nơi này một vẻ đẹp vừa u tịch vừa bí ẩn lại vừa thơ mộng. Du khách đến hồ Than Thở có thể đi dạo bộ dưới những hàng thông, lắng nghe tiếng gió reo, tiếng chim hót và tận hưởng không khí tĩnh lặng, yên bình nơi đây.

Mặt nước ở hồ Than Thở quanh năm trong xanh, bình lặng. Điểm xuyết vào khung cảnh tự nhiên bên hồ là những tiểu cảnh xinh xắn như mô hình nhà Rông Tây Nguyên, cây cầu gỗ bắc ngang mặt hồ, những vườn hoa rực rỡ… Tất cả khiến cho cảnh sắc nơi này trở nên thật sinh động và nên thơ.

Hướng dẫn đường đi đến hồ Than Thở Đà Lạt

>>>>>Xem thêm: ​Cẩm nang khi đi du lịch Hội An theo mùa


Những tiểu cảnh xinh đẹp tại hồ Than Thở

Ngoài đi dạo quanh hồ, du khách còn có thể đạp vịt trên hồ hoặc cưỡi ngựa thăm thú phong cảnh. Nơi này mang đậm đặc trưng của Đà Lạt khi các hoạt động du lịch không diễn ra ồn ã, xô bồ mà chầm chậm, nhẹ nhàng và thư thái. Dường như không khí thanh bình và yên tĩnh của hồ Than Thở đã khiến cho những người đến đây cũng chậm lại để tận hưởng được nhiều hơn hương sắc, cảnh vật thiên nhiên.

Với vẻ đẹp thơ mộng pha lẫn đượm buồn, hồ Than Thở đã đem đến một điểm nhấn khác biệt cho bức tranh thiên nhiên của Đà Lạt. Vào năm 1999, nhà nước Việt Nam đã công nhận hồ Than Thở là danh thắng cấp quốc gia. Hiện tại, hồ Than Thở đang được công ty du lịch Thùy Dương đầu tư theo hướng bảo toàn thắng cảnh.

Hồ Than Thở không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạtmà còn là nguồn cảm hứng thơ ca nhạc họa cho nhiều nghệ sĩ. Đã có nhiều bài thơ, bài hát hay bức họa được sáng tác dựa trên cảnh đẹp và sự tích đồi thông hai mộ. Điều này chứng tỏ qua những thăng trầm của thời gian, vẻ đẹp của hồ Than Thở vẫn cuốn hút và hấp dẫn như thế.

Trên đây là một số thông tin thú vị về hồ Than Thở và hướng dẫn đường đi đến địa điểm này mà Kinhnghiem24h.edu.vn muốn chia sẻ với du khách. Có dịp đến với Đà Lạt, du khách hãy nhớ ghé thăm hồ Than Thở và đồi thông hai mộ để khám phá nhiều hơn về xứ sở sương mù này nhé.

Kinhnghiem24h.edu.vn tổng hợp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *