Có cái tên rất lạ, bánh gật gù là một trong những món ăn rất đặc sắc của Hạ Long. Mời du khách cùng Kinhnghiem24h.edu.vn tìm hiểu về món bánh này qua bài viết dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Đặc sản du lịch Hạ Long – Bánh gật gù
1. Bánh gật gù là gì?
Bánh gật gù là một món bánh gần giống như bánh phở, có màu trắng và ăn cùng nước chấm làm theo công thức riêng. Tên gọi “gật gù” bắt nguồn từ việc khi cầm chiếc bánh này lên ăn, bánh cứ gật lên gật xuống trên tay người cầm nhưng vì có độ dẻo nên chỉ ngả nghiêng mà không gãy. Thêm vào đó, khi thưởng thức, người ăn thường gật gù khen ngon. Từ ấy tên gọi bánh gật gù ra đời.
Bánh gật gù là hàng quà dân dã ở Hạ Long
Bánh gật gù vốn là đặc sản của vùng đất Tiên Yên, nơi cư trú của nhiều người dân tộc Dao, Sán Dìu. Bên cạnh vịnh Hạ Long nổi tiếng thì vùng đất Tiên Yên cũng có nhiều địa điểm đẹp, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc. Do đó, ẩm thực nơi đây vừa đơn giản lại vừa đặc trưng mà tiêu biểu là bánh gật gù.
Đây là món bánh được chế biến thủ công, là hàng quà dân dã ở Hạ Long. Không ai biết bánh gật gù có từ bao giờ, chỉ biết món ăn này rất quen thuộc ở thành phố biển Hạ Long và được nhiều du khách ưa thích. Nhiều tour du lịch Hạ Long cũng giới thiệu với khách của mình loại bánh này bên cạnh các món hải sản, đặc sản khác.
2. Cách làm bánh gật gù
Là món ăn bình dân nhưng công đoạn làm bánh gật gù lại khá công phu. Vì được làm thủ công hoàn toàn nên người làm thường mất nhiều thời gian. Đầu tiên, người làm chọn gạo ngon và đem ngâm qua một đêm. Khi gạo đã ngấm đủ nước sẽ được vớt ra, để ráo rồi đem xay thành bột. Tuy nhiên, chỉ dùng bột gạo thì món bánh gật gù sẽ hoàn toàn giống bánh phở và không thể có độ dẻo để “gật gù”.
Bí quyết ở đây là người làm cho một ít cơm nguội vào nghiền cùng bột. Chi tiết này đơn giản nhưng lại giúp cho bánh vừa mềm mịn lại vừa dẻo. Sau khi bột được nghiền xong là đến công đoạn tráng bánh. Công đoạn này cũng không dễ, vì người làm phải căn chỉnh được lượng bột sao cho không bị loãng cũng không bị đặc.
Bánh gật gù được làm từ bột gạo
Người tráng bánh giỏi là đổ được một lượng bột vừa đủ lên khuôn, sao cho bánh dày hơn bánh cuốn mà phải mỏng hơn bánh đa. Khi bột chín, người làm đem một thanh tre cuốn bánh lại thành cuốn dài rồi lấy ra. Bánh gật gù ngon nhất là những bánh được làm từ bột xay cối đá bằng tay. Nhưng thời nay, đa phần người ta dùng máy xay bột. Ở Tiên Yên vẫn còn một số quán làm bánh gật gù thủ công hoàn toàn, hương vị rất ngon miệng.
Bánh gật gù được ăn với món nước chấm cũng được chế biến khá đặc sắc. Đó là nước mắm ngon của Quảng Ninh chưng với mỡ gà, hành phi, ớt, tiêu và thịt băm. Loại nước chấm này có màu vàng, vừa thơm vừa béo ngậy nên rất hài hòa với vị thanh mát của bột gạo trong bánh gật gù. Bánh cũng có thể được chấm với khâu nhục (thịt ba chỉ hầm), tùy vào khẩu vị của người ăn.
Tìm hiểu thêm: Bí quyết ăn uống khi đi du lịch Hội An vào dịp tết
Nước chấm bánh gật gù rất thơm và béo ngậy
Nhìn qua, bánh gật gù có vẻ giống bánh phở nhưng khi ăn vào lại thấy một hương vị thơm ngon rất riêng biệt. Chính vì thế, bánh gật gù đã trở thành một trong các đặc sản du lịch Hạ Long thường được nhắc đến nhất.
3. Tại Hạ Long ăn bánh gật gù ở đâu?
Là món ăn dân dã nên bánh gật gù có bán rất nhiều nơi ở Hạ Long. Hầu hết các quán phở đều có bán bánh gật gù. Vì cùng được làm từ gạo xay nên khi làm bánh phở họ làm luôn cả bánh gật gù. Tuy nhiên không phải tiệm phở nào cũng làm bánh gật gù thủ công, đa phần xay bột bằng máy.
Còn muốn ăn bánh gật gù tại chính quê hương của nó, du khách có thể về thị trấn Tiên Yên. Nơi đây có hai cửa hàng bánh gật gù nổi tiếng. Đó là quán bà Cúc ở số nhà 73 và quán Cường Thía ở số nhà 30A, phố Hòa Bình. Đây là hai tiệm bánh gật gù nổi tiếng ở Tiên Yên với bánh dẻo, mềm, thơm và nước chấm được pha theo công thức riêng.
Người Tiên Yên có một cách ăn bánh gật gù vừa thú vị vừa hài hước. Đó là khi ăn, chủ nhà cầm bánh lên cho miếng bánh gật gù 3 cái, người khách cũng đáp lễ lại bằng cách làm cho bánh của mình cũng gật gù 3 cái. Sau đó, cả hai mới cùng chấm bánh để ăn.
>>>>>Xem thêm: Cẩm nang khi đi du lịch bụi Nha Trang bằng xe máy theo tháng
Quê hương của bánh gật gù là Tiên Yên
Ngày nay, người làm bánh gật gù đúng truyền thống ngày càng ít, do bánh phải làm thủ công mới ngon nên tốn nhiều thời gian, công sức mà lợi nhuận không cao. Chỉ còn một số gia đình vẫn làm bánh theo cách cũ với mong muốn bảo tồn được hương vị của món ăn này.
Như vậy qua bài viết trên, Kinhnghiem24h.edu.vn đã giới thiệu với du khách về món bánh gật gù đầy dân dã mà cũng lắm công phu. Trong bài viết tiếp theo, mời du khách cùng Kinhnghiem24h.edu.vn khám phá tiếp một thức quà dân gian khác của Hạ Long, đó là bánh tài lồng ếp. Quý khách cùng đón đọc nhé.
Kinhnghiem24h.edu.vn tổng hợp