Nhắc đến Bạc Liêu, du khách không chỉ nhớ đến giai thoại về công tử Bạc Liêu được lưu truyền bao đời nay mà còn nhớ đến du lịch sinh thái và những di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng. Chùa Xiêm Cán Bạc Liêu – Ngôi chùa với kiến trúc đặc biệt, là một trong những điểm du lịch rất thu hút du khách ghé thăm.
Bạn đang đọc: Chùa Xiêm Cán Bạc Liêu – Ngôi chùa với kiến trúc đặc biệt
1. Chùa Xiêm Cán Bạc Liêu
Nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 7km về phía Đông, chùa Xiêm Cán tọa lạc tại xã Vĩnh Thạnh Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ngôi chùa to lớn nổi bật nằm trên con đường đi qua vườn nhãn cổ trên trăm tuổi và cánh đồng gió nổi tiếng tại nơi đây. Vị trí của chùa Xiêm Cán rất đẹp và tiện lợi, du khách đến đây có thể kết hợp cùng tham quan hai địa điểm trên cùng cung đường đi vườn nhãn và cánh đồng gió. Chùa Xiêm Cán mở cửa cho du khách tham quan và khám phá chùa vào khoảng thời gian từ 7h sáng đến 6h tối hàng ngày và du khách không cần mất tiền để mua vé vào cửa.
Toàn cảnh chùa Xiêm Cán
Từ trung tâm thành phố Bạc Liêu, đi dọc theo đường Cao Văn Lầu khoảng 4 đến 5km sau đó rẽ trái vào đường tỉnh 31. Tiếp tục đi thêm chỉ 4km là du khách có thể nhìn thấy ngôi chùa Xiêm Cán lộng lẫy trong ánh nắng của “xứ Cơ Cầu”. Cổng chùa rất lớn và nổi bật nên du khách không hề sợ rằng mình sẽ không nhận ra lối vào chùa.
Nếu du khách xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh thì sẽ mất khoảng hơn 5h đi ô tô. Chùa Xiêm Cán cách trung tâm Sài Gòn hơn 200km tuy nhiên đường đi cũng tương đối dễ nhớ, dễ di chuyển. Du khách chỉ cần đi theo đường CT01 sau đó đi dọc theo tuyến QL1A cho đến khi vào được địa phận trung tâm thành phố Bạc Liêu thì di chuyển như hướng dẫn bên trên.
2. Lịch sử hình thành
Chùa Xiêm Cán được xây dựng từ khi nào? Theo những gì được tạc lại trên bia đá cổ bên phải chính điện bằng chữ Khmer cổ, chùa được khởi công xây dựng vào ngày 7 tháng 5 năm 1887. Cho đến hiện tại, Xiêm Cán đã tồn tại được hơn 130 năm, tuy nhiên ngôi chùa vẫn không hề có dấu hiệu phai nhạt vẻ đẹp của mình theo thời gian.
Theo lịch sử ghi lại, chùa Xiêm Cán là công sức xây dựng của vợ chồng ông Nên, bà Ngét (một gia đình giàu có trong làng tín Phật pháp) cùng với ba mươi gia đình khác hàng ngày khai phá để lấy cây, đất xây chùa. Chùa Xiêm Cán được thi công trong khoảng thời gian cực kì ngắn ngủi – 2 tháng đã hoàn thiện. Tuy thời gian xây dựng ngắn như vậy nhưng ngôi chùa Xiêm Cán này lại là một trong những ngôi chùa lớn và đẹp nhất trong hệ thống chùa của người Khmer tại Nam Bộ.
Tìm hiểu thêm: Du lịch phượt Mũi Né
Một góc chùa Xiêm Cán
Khi vừa xây dựng, chùa Xiêm Cán có một cái tên khác là Komphisako theo tiếng Khmer hoặc gọi theo địa danh là Komphisako Prét Chru. Komphisako theo tiếng Khmer nghĩa là “biển sâu”, ở đây được hiểu là sự sâu sắc, uyên bác của những giáo lý nhà Phật. Sau đó một khoảng thời gian, một nhóm người Hoa (gốc Triều Châu) đến nơi này định cư. Họ cảm thấy tên ngôi chùa theo tiếng Khmer rất khó đọc nên đã dịch cụm “Prét Chru” trong tên theo địa danh của chùa thành “Xiêm Cán”. Xiêm Cán nghĩa là giáp nước nói đến vị trí của ngôi chùa nằm trên bãi bồi ven biển lúc bấy giờ. Trước đây, vào thời điểm đó, chùa Xiêm Cán chỉ cách biển vỏn vẹn 500m, tuy nhiên dòng biển tại Bạc Liêu là dòng biển bồi nên sau thời gian dài, cho đến hiện tại thì chùa cách biển khoảng 5km. Mặc dù khoảng cách đến biển thay đổi nhưng người dân vẫn giữ cách gọi “Xiêm Cán” cho ngôi chùa này.
Trong suốt 130 năm tồn tại và phát triển, chùa Xiêm Cán đã trải qua 9 đời trụ trì. Vị trụ trì đầu tiên tại vị là hòa thượng Thạch Mau (1829-1909). Sau khi ngôi chùa hoàn thiện, người dân đã họp bàn và mời ông về nắm giữ chức vị trụ trì đời đầu tiên của ngôi chùa. Ông được đánh giá là một vị cao tăng am hiểu và tinh thông Phật pháp. Người dân tại đây rất tin tưởng và yêu mến ông. Qua thời gian, mỗi vị trụ trì lên kế nhiệm đều đem hết tài trí và sức lực ra để bảo vệ, tôn tạo và phát triển chùa Xiêm Cán để cho ngôi chùa có được dáng hình ngày hôm nay mà du khách đến đây tham quan đều choáng ngợp.
3. Ngôi chùa với kiến trúc đặc biệt
Giống với những ngôi chùa Khmer khác trên khắp đồng bằng Sông Cửu Long, chùa Xiêm Cán mang dấu ấn đậm nét của kiến trúc Angkor (Campuchia). Từ xa nhìn lại, tổng thể ngôi chùa có rất nhiều công trình kiến trúc khác nhau nhưng đều mang chung hơi thở của kiến trúc Angkor. Từng hạng mục công trình: tường thành bao quanh, cổng chùa, chính điện, cột trụ biểu, giảng đường… đều rất truyền thống, cùng nhau quay mặt về hướng Đông. Ngay điểm này cũng là một phần trong truyền thống của người Khmer. Người Khmer tin rằng con đường tu thành chính quả của Phật bắt đầu từ phía Tây sang phía Đông nên hầu hết các chùa chiền, đền đài, miếu mạo của người Khmer đều có hướng chính là hướng Đông.
Từ phía bên ngoài chùa bước vào, công trình đầu tiên mà du khách bắt gặp là cổng tam quan khá bề thế của ngôi chùa. Những phù điêu đắp nổi trên cổng càng khiến sự uy nghiêm cùng lộng lẫy tăng lên vài phần. Trên đỉnh giữa cổng là hình đức Phật được chạm khắc tỉ mỉ. Hai tượng chim thần Krut được dùng làm bệ đỡ cho đỉnh chính tháp khắc Phật ở giữa. Đây là hình ảnh rất quen thuộc ở tam quan của những ngôi chùa mang kiến trúc Angkor tiêu biểu.
>>>>>Xem thêm: Du lịch Đà Nẵng có gì đẹp
Cổng tam quan của chùa
Xuyên qua cổng tam quan của ngôi chùa, du khách sẽ được sải bước trên con đường rợp bóng cây cổ thụ xanh mát ở hai bên. Chính điện chùa Xiêm Cán nằm ngay trung tâm của khuôn viên, được xây theo hình chữ nhật, rộng 18m, dài 36m, quay mặt về hướng Đông. Chính điện không có cửa ở giữa mà có cửa ở hai bên để tránh đi việc ánh nắng chiếu thẳng vào bàn thờ Phật bên trong. Bên trong chính điện có tới 100 cây cột tròn chống mái, phía trên đỉnh mỗi cột, nơi tiếp giáp cột và mái nhà, đều có một chiếc đầu của rắn thần Nagar đang ngóc lên. Rắn thần Nagar xuất hiện trong chính điện là một điều khá hiếm thấy. Tương truyền Nagar vốn là loài hung tợn được Đức Phật cảm hóa. Hình tượng rắn thần ngóc đầu lên như vậy mang ý nghĩa rất thú vị. Đây là lời thỉnh cầu Đức Phật dừng lại tại chùa để ban phước. Cùng với lời thỉnh cầu, rắn thần Nagar còn được coi là linh vật chống đỡ và bảo vệ chính điện.
Bên trong chính điện được bày biện đơn giản mà không sơ sài. Một bàn thờ 3 tầng ở chính giữa, phía trên là bệ tượng cao gần 2m được chia thành bảy bậc. Trên bệ thờ là tôn tượng Đức Phật Thích Ca lớn, phía dưới là các tượng Phật nhỏ diễn tả các thời kì hóa thân của Đức Phật. Trần và vách, cột chính điện đều được trang trí bằng những bức phù điêu cầu kì, sặc sỡ. Các bức bích họa trên vách tường được vẽ tỉ mỉ miêu tả lại cuộc đời của Đức Phật từ khi ra đời cho đến khi tu thành chính quả.
Một hạng mục công trình đáng chú ý khác tại chùa Xiêm Cán là Sala (giảng đường, nhà hội) và hai tăng xá. Được xây dựng lên bằng nhiều loại gỗ quý từ năm 1997, nơi đây được dùng để nghỉ ngơi sau những giờ tụng kinh. Hai công trình này cũng được trang trí tỉ mỉ bằng những hoa văn, phù điêu… tỉ mỉ lộng lẫy không kém chính điện.
Chùa Xiêm Cán sở hữu kiến trúc đẹp mắt, đầy tính nghệ thuật hòa chung với những nét truyền thống nổi bật chắc chắn sẽ làm du khách ấn tượng và choáng ngợp khí đến đây. Chúc cho du khách có một chuyến đi thuận lợi.
Kinhnghiem24h.edu.vn tổng hợp