Là điểm dừng chân yêu thích của khách du lịch khi đến với miền Tây, Bạc Liêu sở hữu những điểm tham quan độc đáo xinh đẹp, những món ăn ngon hấp dẫn và cả những lễ hội dân gian đặc sắc. Vậy Bạc Liêu có những lễ hội dân gian tiêu biểu nào? Kinhnghiem24h.edu.vn sẽ cùng với quý du khách đi tìm câu trả lời thông qua bài viết “Bật mí” ngay TOP những lễ hội dân gian tiêu biểu ở Bạc Liêu.
Bạn đang đọc: “Bật mí” ngay TOP 6 lễ hội dân gian tiêu biểu ở Bạc Liêu
1. Lễ hội Nghinh Ông Gành Hào
Nghinh Ông là một trong những lễ hội truyền thống được ngư dân các vùng ven biển Việt Nam duy trì gìn giữ từ bao đời nay. Lễ hội được tổ chức nhằm mục đích cảm tạ công ơn vị thần Cá Ông đã phù trợ cho người dân một năm sóng yên biển lặng cũng như cầu nguyện một năm mới thuyền cá đầy khoang.
Lễ hội Nghinh Ông Gành Hào
Ở Bạc Liêu, diễn ra đều đặn hằng năm, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức long trọng từ ngày 9 đến ngày 11/4 âm lịch tại vùng biển thị trấn Gành Hào của huyện Đông Hải.
Cũng như bao lễ hội Nghinh Ông ở nơi khác, lễ hội Nghinh Ông Gành Hào thường bắt đầu từ sáng sớm với nghi lễ cúng tế Tống Tàu. Một đoàn Nghinh Ông gồm các vị kỳ lão, kỳ hương, quan hầu đi trên chiếc ghe lớn có trang trí hoa cờ, bàn thờ và đoàn nhạc ngũ âm, chiêng, trống, đội múa lân tiến thẳng ra biển dâng hương, dâng rượu và cúng tế.
Nghi lễ thỉnh sắc thần vào lăng ông Nam Hải
Sau nghi thức cúng tế trên biển, lễ hội Nghinh Ông sẽ tiếp tục diễn ra với: lễ cúng tiền hiền, lễ thỉnh sắc thần vào lăng ông Nam Hải, lễ xây chầu đại bội, lễ cầu quốc thái dân an…
Bên cạnh các nghi lễ trang nghiêm còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc hấp dẫn như lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng, thi đan lưới… Các buổi biểu diễn hát tuồng, hát bội, hát hò khoan cũng được tổ chức trong không khí vui tươi, náo nhiệt.
2. Lễ hội Quán Âm Nam Hải
Hằng năm, cứ đến tháng 3 âm lịch thì bà con Phật tử từ khắp nơi lại nô nức cùng nhau về Bạc Liêu tham dự lễ hội Quán Âm Nam Hải. Đây được xem là một trong những lễ hội tín ngưỡng Phật Giáo lớn nhất Bạc Liêu nói riêng và miền Tây nói chung.
Lễ hội Quán Âm Nam Hải
Được tổ chức long trọng tại Khu Quán Âm Phật Đài phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, lễ hội Quán Âm Nam Hải được tổ chức là dịp để người dân hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, là cơ hội để tìm về sự an yên thanh bình nơi cửa Phật.
Được biết, lễ hội Quán Âm Nam Hải sẽ diễn ra chính thức từ ngày 22 đến ngày 24/3 âm lịch. Mở đầu lễ hội là chương trình văn nghệ khai mạc với nhiều tiết mục đặc sắc ca ngợi Mẹ Quan Âm. Sau văn nghệ, lễ hội tiếp tục diễn ra với nghi thức nguyện hương được thực hiện trang nghiêm bởi Ban trị sự Giáo Hội Phật Giáo Bạc Liêu.
Đông đảo bà con Phật tử tham gia lễ hội Quán Âm Nam Hải
Đặc sắc trong lễ hội Quán Âm Nam Hải còn có buổi lễ cúng dường hoa đăng. Với ước nguyện đón nhận ánh sáng, sự phước lành từ Mẹ Quan Âm, buổi lễ diễn ra với sự tham gia của toàn thể chư tôn đức, tăng nghi và hàng ngàn Phật tử.
3. Lễ hội Oóc Om Bók
Bên cạnh Trà Vinh và Sóc Trăng thì Bạc Liêu cũng là vùng đất có bà con đồng bào Khmer sinh sống nhiều nhất. Hằng năm, bà con Khmer vùng Bạc Liêu sẽ tổ chức những lễ hội truyền thống rất đặc sắc, trong đó tiêu biểu và nổi bật nhất phải kể đến là lễ hội Óoc Om Bók.
Lễ hội Óoc Om Bók được tổ chức hoành tráng ở Bạc Liêu
Diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, lễ hội Óoc Om Bók hay lễ Cúng Trăng là lễ hội được bà con Khmer tổ chức nhằm mục đích tưởng nhớ và tạ ơn vị thần Mặt Trăng. Theo quan niệm của người Khmer, thần Mặt Trăng là vị thần điều động mùa màng, phù trợ người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cuộc thi đua ghe ngo của bà con Khmer
Lễ hội Óoc Om Bók gồm có hai phần. Phần lễ là các nghi thức phục dựng tập tục cúng trăng, làm cốm dẹp, thả đèn nước và treo đèn gió. Phần hội sẽ tổ chức các trò chơi dân gian, đua ghe ngo và các hoạt động văn nghệ.
Ngoài ra, trong khuôn khổ của lễ hội còn có các hoạt động tổ chức giao lưu văn hóa ẩm thực, mua bán sản phẩm lao động, trưng bày các hình ảnh, nhạc cụ dân tộc.
4. Lễ hội Kỳ Yên
Gắn liền với những hoạt động sản xuất nông nghiệp của ông cha ta từ thời xa xưa, Kỳ Yên là lễ hội cúng đình quan trọng được người dân tổ chức nhằm cầu ước một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Tìm hiểu thêm: Kinh Nghiệm Khi Đi Du Lịch Bụi Hà Nội Bằng Xe Máy Sau Tết
Lễ hội Kỳ Yên được tổ chức ở Bạc Liêu
Ở Bạc Liêu, lễ hội Kỳ Yên được xem là một trong những lễ hội dân gian tiêu biểu được tổ chức từ sau những ngày Tết Nguyên Đán cho đến hết tháng Giêng. Lễ hội được tổ chức lần lượt ở các đình, miếu như miếu Bà Địa Mẫu, chùa Ông Tề, đình An Trạch, miếu Vạn Ban Ngũ Hành…
Biểu diễn hát bội trong lễ hội Kỳ Yên
Trong lễ hội Kỳ Yên, bên cạnh các nghi thức cúng tế trang nghiêm như lễ thỉnh sắc, lễ chánh tế, lễ cầu an… thì bao giờ cũng kèm theo phần hội với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thú vị.
Không thể thiếu trong lễ hội Kỳ Yên còn có biểu diễn hát bội. Đây được xem là phần hoạt động được người dân trông chờ nhất, thu hút đông đảo gái trai, già trẻ đến vui chơi, thưởng thức.
5. Lễ hội Đờn Ca Tài Tử
Bạc Liêu được xem là cái nôi hình thành của dòng nhạc dân tộc đờn ca tài tử – một loại hình nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Hằng năm, Bạc Liêu sẽ tổ chức lễ hội Đờn Ca Tài Tử từ ngày 13 đến ngày 15/3 âm lịch tại khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Lễ hội Đờn Ca Tài Tử là lễ hội truyền thống tiêu biểu ở xứ Bạc Liêu
Nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa của nghệ thuật đờn ca tài tử cũng như góp phần tạo sân chơi giải trí cho người dân Bạc Liêu, lễ hội Đờn Ca Tài Tử được tổ chức trong không khí náo nhiệt, thu hút đông đảo người dân và du khách từ khắp nơi tìm đến tham gia.
Liên hoan văn nghệ đờn ca tài tử Nam Bộ
Trong khuôn khổ lễ hội Đờn Ca Tài Tử nhiều hoạt động vui chơi được tổ chức với quy mô hoành tráng như Liên hoan văn nghệ đờn ca tài tử Nam Bộ, chung kết giải thưởng Trần Hữu Trang, lễ hội ẩm thực Nam Bộ, hội chợ thương mại du lịch, triển lãm nhạc cụ dân tộc…
6. Lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạng
Là lễ hội ghi lại chiến công của nông dân đồng Nọc Nạng trong cuộc đấu tranh với chính quyền thực dân vào năm 1928, lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạng được tổ chức vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại Di tích đồng Nọc Nạng thuộc ấp 4, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai.
Lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạng
Lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạng diễn ra trang trọng với các nghi thức tưởng niệm, dâng hương, dâng hoa đến những người đã ngã xuống, thế hệ ông cha đã anh dũng đứng lên bảo vệ hạt lúa, thửa ruộng cho vùng đất Giá Rai xưa.
>>>>>Xem thêm: Du lịch Nha Trang nên đi vào thời gian nào?
Hoạt động vui chơi trong lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạng
Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động vui chơi giải trí thú vị như giao lưu ẩm thực, thi đấu cờ tướng, kéo co, thả diều, gánh nước về làng, bóng đá tứ hùng, bịt mắt đập niêu, thi đấu bóng chuyền.
Vậy là Kinhnghiem24h.edu.vn đã cùng với quý du khách đi tìm hiểu TOP những lễ hội dân gian tiêu biểu ở Bạc Liêu. Hi vọng thông qua bài viết này, quý du khách sẽ phần nào khắc họa được bức tranh toàn cảnh vùng đất, con người Bạc Liêu, sẽ thêm yêu hơn những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha ta đã gìn giữ từ bao đời qua.
Kinhnghiem24h.edu.vn