Tết Nguyên đán là dịp nhà nhà sum họp, người người quây quần gặp gỡ, cùng nhau đón chào năm mới. Vì thế, đây là dịp của rất nhiều niềm vui xảy ra. Vào dịp Tết Nguyên đán, người ta cũng thường hay đố nhau những câu vui vẻ để thư giãn tinh thần, thêm những tiếng cười. Dưới đây là những câu hỏi đố về ngày Tết cổ truyền của người Việt khá phổ biến mà Kinhnghiem24h.edu.vn tổng hợp được.
Bạn đang đọc: Những câu hỏi đố về ngày Tết cổ truyền của người Việt
-> Nên xem: Tết Nguyên Đán bắn pháo bông ở đâu?
1. Những câu hỏi đố về phong tục ngày Tết
Trong năm, người Việt có 2 dịp Tết là Tết dương lịch và Tết âm lịch. Trong khi Tết dương lịch chỉ có một ngày, là ngày đầu tiên của năm mới tính theo lịch dương thì Tết âm lịch lại kéo dài hơn. Do đó, các phong tục truyền thống về ngày Tết cổ truyền của người Việt có rất nhiều. Một số câu hỏi đố về ngày Tết Nguyên đán của người Việt thường gặp như sau:
– Trước Tết người Việt thường gói bánh gì? Đáp: Bánh chưng, bánh tét.
Bánh chưng, bánh tét là món bánh truyền thống dịp Tết của người Việt
– Tại sao trước Tết, người Việt lại dọn dẹp nhà cửa? Đáp: Theo quan niệm dân gian Việt Nam, Tết âm lịch là dịp để tiễn năm cũ, chào năm mới. Vì thế, người dân dọn dẹp nhà cửa để dọn sạch những xui xẻo, rắc rối của năm cũ và có không gian thoáng đãng cho những niềm vui, may mắn đến vào năm mới.
– Cúng ông Táo là gì? Đáp: Táo quân là 3 vị thần trông coi nhà cửa, bếp núc của người Việt. Theo truyền thuyết dân gian, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ về trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng những chuyện xảy ra trong năm của gia đình gia chủ. Vì thế, người Việt cúng Táo quân để tiễn ông Táo lên đường thuận lợi và sớm quay lại với gia đình trong năm mới.
Người Việt thường cúng ông Táo vào ngày 22 tháng Chạp, để ngày 23 Táo Quân về Trời
– Tại sao cúng ông Táo lại có cá chép? Đáp: Người Việt cho rằng cá chép là phương tiện để Táo quân bay về trời. Đồng thời, dân gian có câu “cá chép hóa rồng”, ý nói về sự phát triển kỳ diệu và bất ngờ. Vì thế, khi cúng ông Táo, người Việt thường có cá chép sống hoặc cá chép bằng vàng mã trong mâm cúng. Điều này hàm ý cung cấp phương tiện cho ông Táo về trời và bày tỏ mong muốn gia đình mình trong năm mới cũng sẽ “cá chép hóa rồng”, phát triển thuận lợi.
– Người Việt trưng hoa ngày Tết để làm gì? Đáp: Cây cối, hoa lá được xem là những nét đẹp tuyệt vời của thiên nhiên và có sức sống mạnh mẽ. Vì thế, vào dịp năm mới, các gia đình người Việt thường trưng cây cảnh và hoa tươi trong nhà. Thứ 1, việc này là để trang hoàng nhà cửa thêm rực rỡ để chào vị thần mùa xuân.
Thứ 2, việc trưng cây cảnh và hoa là để thể hiện mong muốn năm mới gia đình mình cũng được tươi đẹp, phát triển như vậy. Do đó, người Việt thường lựa chọn những loài cây đặc trưng của mùa xuân để trưng như đào, mai hoặc những loài hoa biểu tượng của sự tốt đẹp như hoa cát tường, thần tài, hướng dương… hoặc những loài hoa có màu sắc rực rỡ như hải đường, tử đinh hương, hoa hồng, hoa cúc.
Tìm hiểu thêm: Mùng 1 Tết không nên làm gì?
Ngày Tết, người Việt thường trưng các loại hoa rực rỡ trong nhà
– Vị khách đầu tiên đến nhà chúc Tết được gọi là gì? Đáp: Xông nhà.
– Vì sao vào 3 ngày Tết, nhiều người lại kiêng quét nhà? Đáp: Đây là câu hỏi về ngày Tết cổ truyền của người Việt mà không phải ai cũng biết câu trả lời. Kiêng quét nhà vào 3 ngày đầu tiên của năm mới là tục lệ bắt nguồn từ một điển tích xưa của Trung Quốc. Theo đó, có một người lái buôn được thủy thần cho một người hầu nên sau đó đã rất ăn nên làm ra, trở thành giàu có.
Một hôm, vào mùng 1 Tết, người hầu đó làm vỡ một chiếc bình quý và người lái buôn đánh cô gái. Cô người hầu sợ quá trốn vào đống rác trong góc nhà. Vợ của người lái buôn không biết nên quét rác, quét luôn cả cô người hầu đi. Sau đó, gia đình người lái buôn dần làm ăn sa sút, trở lại nghèo khó. Từ đó, tục lệ kiêng quét nhà và đổ rác 3 ngày Tết ra đời với hàm ý không quét đi tiền bạc, may mắn ra khỏi gia đình. Hiện nay, tục lệ này không còn nhiều người giữ.
-> Cùng tìm hiểu: Tết Nguyên Đán nên đi du lịch ở đâu là đẹp?
2. Những câu hỏi đố về ngày Tết cổ truyền
Tết cổ truyền là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Vì thế, những điều thú vị xoay quanh dịp lễ này có rất nhiều. Dưới đây là một số câu hỏi đố phổ biến về ngày Tết cổ truyền của người Việt:
– Tết Nguyên đán còn được gọi là gì? Đáp: Tết ta, Tết cổ truyền, Tết âm lịch.
– Tháng Chạp là tháng mấy? Đáp: Tháng Chạp là tháng 12 âm lịch.
– Tết Nguyên đán bắt đầu và kết thúc vào ngày nào? Đáp: Tết Nguyên đán thường được tính bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp (tức ngày ông Táo về trời) cho đến ngày mùng 10 tháng Giêng. Tuy nhiên hiện nay, do công việc bận rộn nên nhiều người chỉ còn tính Tết cho đến hết 3 ngày đầu tiên của năm mới (mùng 1, 2, 3).
– Khoảnh khắc chuyển giao từ năm này sang năm khác được gọi là gì? Đáp: Giao thừa.
– Tên 3 vị thần tượng trưng cho hạnh phúc, sức khỏe và giàu sang? Đáp: 3 vị thần đó là Phúc, Thọ và Lộc.
– Tên loại thức ăn ngọt có rất nhiều hương vị và được xem là món ăn không thể thiếu vào dịp Tết? Đáp: Mứt Tết. Đây là loại thức ăn cổ truyền của người Việt được làm từ các loại củ quả như gừng, dừa, bí, hạt sen, cà chua, quất, hồng, thơm… Hương vị của mứt Tết rất ngọt ngào và thường được người Việt dùng để đãi khách dịp năm mới.
Mứt Tết là món ăn truyền thống dịp Tết Nguyên đán
– Con gì tới 12h đêm giao thừa thì thay đổi hình dạng? Đáp: Con giáp. Theo âm lịch của người Việt, mỗi con giáp tượng trưng cho một năm và có tổng số 12 con giáp là Tí (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (heo).
Vào khoảnh khắc giao thừa, con giáp của năm cũ sẽ chuyển giao cho con giáp tiếp theo của năm mới. Năm 2020 là năm Canh Tý, tức năm con chuột.
– Loài cây gì chỉ có vào dịp Tết, không hoa, không trái? Đáp: Cây nêu. Đây là loài cây do người Việt dựng nên trước sân nhà vào dịp Tết. Cây nêu thường được làm từ thân cây tre, cây trúc, cây lồ ô. Độ dài cây nêu khoảng 5 – 6m và được tỉa sạch lá, chỉ để lại lá trên ngọn. Theo quan điểm dân gian của người Việt, từ ngày 23 tháng Chạp, Táo quân đã về chầu Trời, cho đến tận Giao thừa mới quay lại.
Vì thế, trong thời gian Táo quân vắng mặt, để tránh ma quỷ đến quấy phá thì người ta dựng cây nêu trước sân nhà. Trên cây nêu treo các vật trừ tà theo quan niệm địa phương như chuông gió, ống sáo, những miếng kim loại, túi đựng trầu cau, lá phướn, đèn lồng… Ngày hạ nêu tùy theo quan điểm từng địa phương, thường là từ ngày 5 – 7 âm lịch.
– Tại sao thường có múa lân vào dịp Tết? Đáp: Để xua đuổi những điều xui xẻo, giúp may mắn đến, làm ăn suôn sẻ. Theo quan điểm dân gian, lân là một trong 4 loài vật linh thiêng là Long – Lân – Quy – Phụng (rồng – lân – rùa – phượng hoàng). Đây là những con vật thần thoại tượng trưng cho may mắn, sức mạnh, hạnh phúc và tiền tài. Do đó, múa lân là để bày tỏ mong ước sẽ xua đuổi được những điều xấu của năm cũ và đón rước tốt lành cho năm mới.
Múa lân thường đi kèm với rồng, ông Địa và Thần tài, tạo nên một đoàn nhộn nhịp và rực rỡ sắc màu.
>>>>>Xem thêm: Giá vé vào tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám mới nhất 2023
Ngày Tết của người Việt thường có múa lân
-> Xem và đặt ngay những Tour Tết Nguyên Đán do Kinhnghiem24h.edu.vn tổ chức.
Trên đây là một số câu hỏi đố về dịp Tết cổ truyền của người Việt mà Kinhnghiem24h.edu.vn tổng hợp được. Qua đó có thể thấy, Tết cổ truyền không chỉ là dịp để mọi người nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình mà còn là ngày lễ truyền thống đẹp của dân tộc.
Kinhnghiem24h.edu.vn tổng hợp