Tết Cổ truyền là dịp lễ rất được người Việt Nam coi trọng. Đây được xem là dịp tiễn năm cũ, đón năm mới với mong ước về những điều tốt lành đồng thời là dịp để các thành viên trong gia đình tụ họp, quây quần cùng nhau trải qua dịp Tết ấm áp. Vì thế, trải qua hàng trăm thế kỉ, ngày Tết của người Việt đã có rất nhiều phong tục độc đáo. Dưới đây là 13 phong tục truyền thống ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam theo tổng hợp của Kinhnghiem24h.edu.vn.
Bạn đang đọc: 13 phong tục truyền thống ngày Tết Cổ truyền của người Việt Nam
1. Cúng ông Công, ông Táo
Trong quan điểm tín ngưỡng của người Việt, Táo quân là 2 ông và 1 bà, tượng trưng cho thần Bếp núc, thần Nhà và thần Đất. Hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp (tức 23/12 theo âm lịch), người Việt coi đây là ngày Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để dâng tấu các việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình gia chủ cho Ngọc Hoàng.
Cá chép được xem là phương tiện về trời của Táo quân, vì thế thường có trong mâm cúng
Sau đó, đến đêm Giao thừa, Táo quân sẽ quay trở lại nhà gia chủ để tiếp tục cho một năm mới. Vì thế, rất nhiều gia đình người Việt làm lễ cúng ông Táo với hàm ý chúc ông Táo về Trời thuận lợi và mau mắn quay lại để tiếp tục đồng hành cùng gia chủ. Lễ cúng thường được làm vào tối ngày 22 tháng Chạp vì ông Táo đầu ngày 23 đã về chầu Trời rồi. Đây là một trong những phong tục truyền thống ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam đã có từ lâu đời.
2. Gói bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu của người Việt vào dịp Tết. Được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo gói trong lá dong, bánh chưng của miền Bắc có dạng hình vuông, còn bánh tét của miền Nam lại có dạng hình tròn dài. Vào dịp Tết, bánh chưng, bánh tét được các gia đình gói khá nhiều để ăn dần cho đến tận khi qua Tết.
Các thành viên trong gia đình quây quần gói bánh chưng ngày Tết
Thông thường, các gia đình hay gói bánh vào dịp cận Tết, tức ngày 26, 27 và 28 âm lịch. Sau khi được gói, bánh chưng, bánh tét cần phải luộc trong nhiều tiếng đồng hồ (10 – 15 tiếng) thì bánh mới mềm rục và ngon. Khi luộc xong, bánh hay được treo lên cho ráo nước và có thể để ở nhiệt độ thường bên ngoài trong một số ngày mà không bị hư.
3. Trưng hoa
Hoa tượng trưng cho sự phát triển, rực rỡ, tươi đẹp. Vì thế, vào dịp Tết cổ truyền, người Việt thường hay trưng hoa trong nhà để bày tỏ mong muốn năm mới của gia đình mình cũng được tươi đẹp như hoa. Đồng thời, việc trưng hoa cũng là để làm đẹp thêm ngôi nhà và đem lại cảm giác mùa xuân nhiều hơn.
Ngày Tết, người Bắc thường trưng hoa đào, miền Nam thường trưng hoa mai
Người miền Bắc thường trưng hoa đào vào ngày Tết, còn người miền Nam lại thích hoa mai. Bên cạnh đó, các loài cây như quất/ tắc, hoa hướng dương, hoa cúc, tử đinh hương, hoa lan… cũng rất được ưa chuộng. Ngoài cây cảnh, người Việt còn mua rất nhiều hoa về cắm và trang trí trong nhà.
4. Tặng quà Tết
Tết cổ truyền là những ngày vui. Cả năm ai cũng làm việc vất vả, thế nên trong những ngày Tết thì các gia đình đều cố gắng để được thoải mái, xông xênh và đủ đầy hơn bình thường. Vì thế, người Việt cũng mong muốn những người mà mình yêu quý được đủ đầy, sung túc hơn trong dịp Tết. Từ đó, tục lệ tặng quà Tết ra đời và duy trì cho tới ngày nay.
Theo tục lệ này, mọi người sẽ đến nhà nhau trước Tết và tặng những món quà khác nhau. Đó có thể là những món ăn tự làm như mứt, bánh chưng, giò chả… hoặc những món đồ mua bên ngoài như bánh kẹo, rượu, trái cây, cây cảnh… Đa phần mọi người sẽ tặng những thứ mà họ nghĩ rằng gia chủ chưa có để món quà trở nên ý nghĩa hơn.
5. Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là một phong tục truyền thống ngày Tết cổ truyền phổ biến của người Việt Nam. Đây được xem là một lễ vật đặt lên bàn thờ của gia chủ với hàm ý dâng cúng thần linh, tổ tiên và mong muốn những điều tốt lành sẽ đến. Mâm ngũ quả chịu ảnh hưởng sâu sắc của thuyết Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ).
Tìm hiểu thêm: Kinh nghiệm khi đi du lịch Hạ Long tự túc vào dịp Tết
Mỗi gia đình có cách bài trí mâm ngũ quả khác nhau
Do đó, mâm ngũ quả có 5 loại quả khác nhau, thể hiện sự sinh sôi, phát triển và âm dương hòa hợp. Mâm ngũ quả của miền Bắc thường có 5 màu với các loại quả sau: chuối, quýt, bưởi, đào và hồng. Mâm ngũ quả miền Trung thường theo dạng thành tâm, có gì cúng nấy với các loại quả theo mùa như dưa hấu, thanh long, chuối, mãng cầu… Mâm ngũ quả miền Nam lại chuộng diễn đạt ý nghĩa “cầu sung vừa đủ xài” nên thường là 5 loại quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài.
6. Cúng giao thừa
Giao thừa là thời khắc chuyển giao từ năm cũ qua năm mới, được tính là những phút cuối cùng của ngày kết thúc năm cũ và những phút đầu tiên của ngày đầu năm mới. Cúng giao thừa thường được tiến hành vào 12h30 phút đêm 30 tháng Chạp với mong muốn trừ bỏ những điều xấu của năm cũ, đón chào những điều tốt đẹp của năm mới.
Người Việt thường cúng giao thừa với 2 lễ trong nhà và ngoài trời. Mâm cúng tùy theo từng gia đình mà có thể bày biện đồ chay hoặc đồ mặn với nhiều món ăn khác nhau.
7. Tảo mộ trước Tết
Theo phong tục truyền thống của người Việt, Tết đến là dịp để người sống tụ họp, quây quần và vì thế cũng không được quên đi những người đã mất. Do đó, từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp, các thành viên trong gia đình sẽ tụ họp đi tảo mộ tổ tiên, người thân trước Tết để bày tỏ tấm lòng với người đã khuất.
Một số gia đình còn có các bài cúng bái để mời người đã mất về ăn Tết cùng con cháu. Khi tảo mộ, người ta thường dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của người mất rồi cúng hoa quả, đồ ăn, vàng mã…
8. Xông nhà
Hay còn gọi là xông đất, xông nhà là phong tục truyền thống ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam rất được coi trọng. Theo tục lệ này, ngay sau giờ phút giao thừa, người khách đầu tiên bước chân vào cửa nhà của gia chủ được tính là người xông nhà. Người xông nhà có ảnh hưởng quan trọng đến sự may mắn, bình an và tốt đẹp của cả gia đình gia chủ.
Vào dịp Tết, người Việt thường lựa chọn trước người xông nhà để may mắn hơn trong năm mới
Vì thế, người xông nhà rất quan trọng. Từ trước Tết, đa phần các gia chủ đều đã tìm người xông nhà hợp tuổi, hợp mạng với mình. Những người béo tốt, phương phi, có tướng phúc hậu, thành đạt trong cuộc sống cũng rất được ưa thích để mời xông nhà. Người được mời xông nhà sẽ đến nhà gia chủ từ sớm, mang theo chút quà đầu năm cho trẻ nhỏ, bao mừng tuổi cho người già và những lời chúc ý nghĩa.
9. Hái lộc đầu xuân
Hái lộc đầu xuân cũng là một phong tục đã có từ lâu đời của người Việt vào dịp Tết cổ truyền. Theo phong tục này, sau khi cúng giao thừa, người Việt sẽ đi hái một cành lộc nhỏ mang về nhà, với hàm ý mang lộc chồi, sự phát triển về với gia đình. Nhiều người hái lộc ở chùa, nhiều người khác đi nhà thờ, một số người lại chọn hái lộc ngay trong vườn nhà.
Cây được chọn để hái lộc thường là những loại cây lớn, có sức sống dẻo dai, bền bỉ như sung, đa, si… Sau khi hái lộc, người hái sẽ đem cành cây đó về nhà và treo trước cửa hoặc trong nhà và sẽ không đem cho người khác để tránh “mất lộc”.
10. Chúc Tết đầu năm và lì xì/ mừng tuổi
Tết cổ truyền được xem là dịp để mọi người vui vẻ gặp gỡ. Do đó, những lời chúc Tết đầu năm rất được yêu thích vì mọi người có thể bày tỏ mong muốn những điều tốt lành đến với người khác. Những lời chúc không chỉ được nói ra trong gia đình mà còn được nói ra giữa bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp khi đến nhà nhau chúc Tết.
Những lời chúc Tết phổ biến của người Việt thường xoay quanh các nội dung: mạnh khỏe, bình an, an khang thịnh vượng, sống lâu trăm tuổi, vạn sự như ý, phát tài phát lộc… Đa phần các lời chúc Tết đều đi kèm với phong bao lì xì/ mừng tuổi. Các phong bao này thường có màu đỏ, bên trên ghi những lời chúc ngắn gọn mà ý nghĩa, bên trong chứa tiền.
Chúc Tết và lì xì/ mừng tuổi là phong tục truyền thống ngày Tết của người Việt
Với người nhỏ, phong bao này được gọi là lì xì. Với người lớn tuổi hơn, phong bao được gọi là mừng tuổi. Những phong bao lì xì/ mừng tuổi có ý nghĩa gốc là để lấy may, do đó không quan trọng số tiền nhiều hay ít.
11. Khai nghề
Khai nghề là tục lệ liên quan đến công việc, sự nghiệp của người Việt. Tức là sau lễ giao thừa, mỗi người tùy công việc khác nhau mà chọn lấy một ngày để khai nghề. Học sinh, thầy giáo thì khai bút đầu năm. Thợ thủ công thì khai công, nhà nông khai canh, còn người buôn bán thì khai hàng, mở cửa hàng lấy may.
Ngày được lựa chọn để khai nghề thường là ngày hợp mệnh, hợp mạng với gia chủ đồng thời là ngày lành tháng tốt. Đối với học sinh, thầy giáo, việc khai bút thường được diễn ra ngay sau lễ giao thừa còn với các ngành nghề khác thì thường bắt đầu từ mùng 1.
12. Xuất hành
Xuất hành là tục lệ đi ra khỏi nhà ngày đầu năm để tìm may mắn, tốt lành cho gia đình của người Việt. Việc xuất hành sẽ được tính toán kỹ dựa trên các yếu tố: hướng đi, giờ và nơi đi để chọn được hướng tốt, nghênh đón được thần tài, quý nhân về với gia đình. Thông thường, người Việt sẽ tính toán việc xuất hành trước Tết và đến Tết chỉ việc thực hiện.
Việc xuất hành có thể là đi chùa, đi nhà thờ hoặc đến thăm những người lớn tuổi, bằng hữu. Một số người xuất hành bằng cách đi ra khỏi nhà một đoạn, theo đúng hướng đã tính toán sẵn rồi quay về nhà mà không ghé vào chỗ nào.
>>>>>Xem thêm: Kinh nghiệm khi đi du lịch bụi Huế bằng xe máy sau Tết
Xuất hành đầu năm là tục lệ mong muốn tìm được may mắn cho năm mới của người Việt
13. Kiêng kị đầu năm
Ngày Tết cổ truyền của người Việt có rất nhiều điều được làm và cũng có những điều kiêng kị. Những điều cấm kị này khác nhau ở mỗi vùng miền, thậm chí khác nhau trong từng gia đình, tùy theo quan niệm của gia chủ. Đa phần những điều kiêng kị này để tránh may mắn bị thất thoát, tránh sự xui xẻo hay đen đủi đến với gia đình.
Một số điều kiêng kị ngày Tết khá phổ biến như nhà có tang trong năm thì dịp Tết, người trong gia đình đó không đến nhà khác chúc Tết, không đổ rác trong 3 ngày đầu năm mới, không khóc lóc u buồn trong 3 ngày đầu năm, không tặng dao nhọn hay thuốc men trong dịp năm mới…
Trên đây là 13 phong tục phổ biến vào dịp Tết cổ truyền của người Việt mà Kinhnghiem24h.edu.vn tổng hợp được. Qua đó, có thể thấy ngày Tết của Việt Nam quả thật là một dịp lễ đầy thú vị và đặc sắc với những phong tục đậm nét văn hóa của người Việt.
Kinhnghiem24h.edu.vn tổng hợp